Nền văn hóa của chúng ta gắn liền với học thuyết Âm Dương – Ngũ hành – Bát quái, … Sự tinh tế và kết hợp nhuần nhuyễn những quan sát và chiêm nghiệm từ chính thế giới quanh mình và những hiện tượng xã hội đã giúp người phương Đông xưa xây dựng nên cả một hệ thống triết lý vừa gần gũi vừa sâu sắc.
Những triết lý của học thuyết Âm Dương có ảnh hưởng rõ rệt tới cách sinh hoạt, cách bài trí và nghệ thuật phong thủy của xã hội phương Đông đương đại.
Sau đây, Cương Duyên xin được chia sẻ một số thông tin để cùng quý độc giả tìm hiểu chi tiết về nguồn gốc và cơ sở nguyên thủy của học thuyết Âm Dương.
Từ Vô cực tới Thái cực
Có rất nhiều truyền thuyết phản ánh sự ra đời của vạn vật. Ở văn hóa phương Đông, truyền thuyết nổi tiếng nhất xuất phát từ Trung Quốc, kể rằng trời đất đều ra đời nhờ một vị thần tên là Bàn Cổ. Hãy thử đọc một đoạn tóm tắt như dưới đây.
“Giữa khoảng mênh mông hỗn độn, mờ mịt chưa phân, như lòng trắng lòng đỏ trứng gà, có một người là Bàn Cổ, lấy cái khí trong mà nhẹ bên trên tạo thành trời, cái đục mà nặng bên dưới tạo thành đất. Bàn Cổ mỗi ngày biến đổi chín lần, mỗi ngày cao thêm một trượng, trời cao thêm chừng ấy và đất dầy thêm chừng ấy. Ông sống một vạn tám ngàn năm, thì trời cao lắm và đất dày lắm. Khi ông chết, hai mắt thành mặt trời mặt trăng, nước mắt thành sông, mỡ thành biển cả, thân thể thành núi non, râu tóc thành cây cối…”
Như vậy, người phương Đông cho rằng ban đầu thế giới không có gì cả mà vốn được tạo nên từ “hư không”. Hư không là khởi điểm, còn được gọi là Vô cực (thường được vẽ bằng một vòng tròn trống rỗng, ý rằng không có gì cả).
Thế nhưng, từ hư không mà vận vật và rồi muôn loài ra đời. Trời và đất được chia cắt tạo nên hai mặt đối lập và tương hỗ lẫn nhau, gọi là Âm và Dương. Ta có thể thấy hình ảnh một vòng tròn nửa đen và nửa trắng hòa quyện với nhau rất phổ biến. Đó chính là biểu tượng của Thái cực. Thái cực hai mặt đối lập gọi là Lưỡng nghi (Âm và Dương).
Ta lại để ý thấy ở Thái cực, trong vùng đen có một chấm trắng còn trong vùng trắng lại có một chấm đen. Đó chính là để thể hiện rằng trong Âm vẫn có Dương và trong Dương vẫn có Âm, dù đối nghịch nhưng không triệt tiêu mà luôn tương hỗ, tạo nên những tổng thể hài hòa.
Triết lý Âm Dương này được phản ánh ngay trong cuộc sống hàng ngày nếu như chúng ta quan sát và thử suy ngẫm. Thời tiết luôn có nóng (Dương) và lạnh (Âm) đan xen và luân phiên nhau, ngày (Dương) hết thì đêm (Âm) sẽ tới, muôn loài đều có nam-nữ/đực-cái, điện tích có Dương thì cũng có Âm, …
Trong cùng một cá thể cũng có thể có cả Âm và Dương. Chẳng hạn nếu xét một con người là một tổng thể, thì Dương là Nam giới, Âm là Nữ giới. Nhưng xét nội hàm của cá thể Nam chẳng hạn, thì không phải toàn Dương cả. Trong con người có yếu tố Âm là tinh thần, Dương là thể xác. Trong thể xác vốn là Dương thì xét sâu hơn vào trong lại có cơ bắp xương cốt là Dương, kinh mạch là Âm, rồi trong nội tạng thì lục phủ là dương, ngũ tạng là âm…
Âm Dương và Tứ tượng
Âm và Dương như vậy là đại diện cho tất cả mọi thứ. Thế nhưng mọi sự vốn dĩ không thuần chất và đơn giản để chỉ có thể mô tả bằng Âm hoặc là Dương. Trong Âm có Dương và trong Dương cũng có Âm giống như trong người tốt vẫn hàm chứa phần khiếm khuyết và trong những người tưởng như xấu xa nhất vẫn còn đâu đó một đức tính đáng trân trọng, như giữa đông lạnh giá vẫn đôi khi xen lẫn ánh nắng ấm áp và giữa nắng hè gay gắt vẫn có những cơn gió mát mẻ.
Vậy nên, để mô tả và chiêm nghiệm về vạn vật, người xưa đã phát triển học thuyết Âm Dương lên một tầm cao hơn rất nhiều.
Giống như Toán học, học thuyết Âm Dương cũng có những quy ước và ký hiệu của mình. Dương được ký hiệu là một vạch liền nằm ngang, còn Âm là một vạch đứt đoạn (hình dưới). Mỗi vạch như vậy được gọi là một hào.
Khi lấy hai hào Âm và/hoặc Dương chồng lên nhau, ta sẽ có 4 khả năng, gọi là Tứ tượng. Hai vạch Dương chồng lên nhau được gọi là Thái dương. Hai vạch Âm chồng lên nhau thì được gọi là Thái âm. Nếu vạch Âm trên còn vạch Dương dưới thì được gọi là Thiếu dương, ngược lại vạch Dương trên còn vạch Âm dưới thì lại được gọi là Thiếu âm.
Kết hợp qui tắc logic với quan niệm Âm Dương mà chúng ta đã nói trên, thì Thái Dương là Dương cực thịnh, Thiếu Dương là Dương đã suy bớt, nhưng vẫn mạnh hơn Âm. Thiếu Âm là Âm đã mạnh hơn Dương, Thái Âm là Âm cực thịnh.
Tứ tượng này cũng là bốn giai đoạn của một chu trình khép kín. Trong năm, mùa xuân là Thiếu dương, khí ấm áp tăng dần; Mùa hạ là Thái dương, nóng đến cực đại; Mùa thu là Thiếu âm, khí lạnh đang về, Mùa đông là Thái âm, lạnh cực đại.
Trong chu kỳ của một con người hay sinh vật: giai đoạn đầu tăng trưởng từ từ, là Thiếu dương, đến thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ là Thái dương, đến cực đại khi trưởng thành toàn vẹn, rồi suy dần dần là Thiếu âm, cuối cùng là suy sụp nhanh chóng, là Thái âm.
Khi tiếp nhận Phật giáo tới từ Ấn Độ, bốn giai đoạn này với con người có thể được hiểu là Sinh – Lão – Bệnh – Tử, với sự vật là Sinh – Trụ – Dị – Diệt …
Bát quái
Bát quái vô cùng quen thuộc khi chúng ta nói tới văn hóa cổ truyền và nghệ thuật phong thủy. Nhưng bát quái thực chất là gì và nguồn gốc ra sao thì là điều mà không phải ai cũng nắm rõ. Việc hiểu được nguồn gốc và nguyên tắc của học thuyết này sẽ cho chúng ta cái nhìn đầy đủ hơn và bao hàm hơn về cả một tinh hoa triết lý Đông phương, cũng như có nhiều áp dụng nhuần nhuyễn hơn vào nghệ thuật phong thủy trong chọn hướng và bài trí nội thất cho nhà ở và văn phòng.
Chúng ta đã biết rằng Âm và Dương là hai thuộc tính cốt lõi của triết lý phương Đông. Khi cho Âm và Dương kết hợp thì ta có Tứ tượng. Sau này, người Trung Quốc nghĩ ra cách chồng thêm một hào (Âm hoặc Dương) lên Tứ tượng. Kết quả khi đó ta có 8 bộ ba hào. Mỗi bộ được gọi là một Quẻ, hoặc một Quái. 8 quái hợp lại tạo thành Bát quái.
Bát quái theo cách đếm vạch từ dưới lên bao gồm:
1. ☰ 3 Dương: Càn, nghĩa là Trời (Thiên): mạnh, cứng, nam tính
2. ☱ 2 Dương + 1 Âm: Đoài, nghĩa là Đầm/Hồ (Trạch): vui vẻ
3. ☲ Dương + Âm + Dương: Ly, nghĩa là Lửa (Hỏa): sáng, sáng tạo
4. ☳ 1Dương + 2 Âm: Chấn, nghĩa là Sấm (Lôi): động
5. ☴ 1 Âm + 2 Dương: Tốn, nghĩa là Gió (Phong): thuận lợi
6. ☵ Âm + Dương + Âm: Khảm, nghĩa là Nước (Thủy): sâu, hiểm
7. ☶ 2 Âm + 1 Dương: Cấn, nghĩa là Núi (Sơn): an tĩnh
8. ☷ 3 Âm: Khôn, nghĩa là Đất (Địa), nhu thuận, nữ tính
Các quái được xếp vòng tròn thể hiện cho sự chuyển giao giữa các yếu tố của tự nhiên. Vòng tròn này tạo thành một hình 8 cạnh (bát giác), cũng là tượng trưng cho 8 hướng chính. Theo cách vẽ của người Trung Quốc xưa, qui ước về các hướng ngược lại với qui ước hiện đại khi sử dụng bản đồ, vì thế hướng lên trên trong Bát quái là hướng Nam, phía dưới là Bắc, bên phải là Tây còn bên trái là Đông.
Ban đầu, vào thời vua Phục Hi, các quái được xếp theo trật tự đối xứng về tính chất Âm-Dương. Chẳng hạn Càn (chí Dương) đối xứng với Khôn (chí Âm). Bát quái như vậy được gọi là Tiên thiên Bát quái. Tuy nhiên, sau này vị trí sắp xếp có được sửa lại tạo nên một phiên bản khác dựa trên một triết lý khác về sự tương hợp của Âm và Dương. Phiên bản này được gọi là Hậu thiên Bát quái.
Ngày nay, trong phong thủy áp dụng cho việc chọn hướng nhà và sắp xếp nội thất, bát quái mà chúng ta dùng là Hậu thiên Bát quái (tức đồ hình bên phải của hình trên).
Việc chọn hướng nhà và đồ đạc, cũng như lựa chọn vật phẩm phong thủy ra sao theo bát quái phụ thuộc rất nhiều vào tuổi và mệnh của gia chủ. Nghệ thuật phong thủy theo chiều hướng này đã phát triển phong phú và ngày càng sâu sắc. Chúng ta sẽ tiếp tục trao đổi về nội dung này ở những bài khác và qua đó giúp quý độc giả có thể chọn được cho mình những sản phẩm ưng ý nhất phục vụ mục đích phong thủy khi tới với xưởng chế tác và giới thiệu sản phẩm của Cương Duyên.