Người Việt có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, trọng lễ nghĩa. Dù đi đâu cũng luôn nhớ đến cội nguồn, gốc rễ của mình – “Con người có tổ có tông. Như cây có cội như sông có nguồn”. Giống như cây thì phải có cội có gốc, sông thì phải có nguồn. Nhờ có gốc bền rễ sâu mà cành lá mới xanh tươi, đơm hoa kết trái. Nhờ có nguồn sông mới có nước không bao giờ cạn. Con người cũng vậy, phải “có tổ có tông” có tổ tiên, ông bà mới có cha mẹ, con cháu. Do vậy, việc thờ cúng trong mỗi gia đình thể hiện lòng hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, là sự tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của các bậc tiền nhân. Đó chính là một nét đẹp văn hóa ngàn đời của dân tộc ta.
Trong mỗi gia đình thì bàn thờ gia tiên chính là nơi thanh tịnh, thiêng liêng nhất, thể hiện sâu sắc niềm tin tâm linh của người Việt. Bàn thờ được coi như chiếc cầu nối linh thiêng giữa cuộc sống hiện tại của con người với cõi thiêng của đất trời, là nhịp cầu vô hình nối kết, giao hòa giữa hai cõi âm dương. Với quan niệm “Trần sao âm vậy”, “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, người chết cũng như lúc sống, đều có những nhu cầu sinh hoạt như nhau, người sống cần nhà ở, thì người chết cũng cần một nơi cho linh hồn nương náu, nên con cháu đã lập ra bàn thờ để làm nơi tưởng nhớ, thờ cúng người đã khuất.
Tùy theo mỗi nơi và mỗi gia đình, tùy vào điều kiện kinh tế mà cách trang trí và sắp đặt bàn thờ có những sự khác biệt. Song về cơ bản, bàn thờ gia tiên bao giờ cũng được chọn đặt nơi ở nơi cao ráo, sạch sẽ và trang trọng nhất trong nhà (gian giữa đối với nhà một tầng, tầng trên cùng đối với nhà nhiều tầng…). Còn hướng bàn thờ thì tùy thuộc vào tuổi của gia chủ nhưng thông thường người Việt hay chọn hướng Nam, vì theo đạo Phật hướng Nam là hướng của bát nhã, tức trí tuệ, hướng của sự sáng tạo, của sinh lực tràn trề, đầy dương khí. Cũng nhiều gia đình chọn hướng Tây để đặt bàn thờ với quan niệm hướng này hòa hợp âm dương, nên yên ổn và phát triển.
Trên bàn thờ gia tiên, ở chính giữa đặt bát hương (tượng trưng cho tinh tú) và trên bát hương có cây trụ để cắm hương vòng (tượng trưng cho trục vũ trụ); ở hai góc ngoài bao giờ cũng có hai cây đèn (hoặc nến) tượng trưng cho Mặt Trời ở bên trái và Mặt Trăng ở bên phải. Thông thường, ở ngay sau bát hương thường có một cái đỉnh ba chân, nắp đỉnh được vẽ hình con lân với ý nghĩa sức mạnh bề trên kiểm soát tinh thần con cháu khi đứng trước bàn thờ. Khi cần giao tiếp với tổ tiên (có lúc thỉnh cầu, có khi sám hối…) người ta thường đốt nến (đèn dầu) và thắp hương. Nhiều người có thói quen, khi đi xa về thường thắp hương trên bàn thờ trước như một lời chào rồi mới làm việc khác. Hoặc trước khi đi xa cũng lại thắp hương để mong người thân độ trì cho lên đường an toàn, may mắn.
Việc thắp hương trên bàn thờ bao giờ cũng chọn theo số lẻ: 1, 3, 5, 7, 9 và tránh thắp số chẵn như 2, 4, 6… Trong thuyết âm dương lưỡng hợp, số lẻ tượng trưng cho cõi dương, số chẵn tượng trưng cho cõi âm.Việc thắp hương là việc người dương tưởng nhớ người âm, cúng dâng lễ vật cầu mong người âm phù hộ độ trì cho gia đình sức khỏe, may mắn, mọi sự hanh thông. Khi thắp hương lên là mọi nguyện cầu sẽ theo các vòng khói hương chuyển đến ông bà tổ tiên bởi niềm tin rằng ở thế giới bên kia, ông bà, tổ tiên, dù đã khuất nhưng vẫn hướng về chúng ta, đang ở bên chúng ta hàng ngày.
Khi thờ cúng tổ tiên, người Việt Nam rất coi trọng ngày kỵ giỗ tức là ngày mất được tính theo âm lịch. Vào ngày giỗ hoặc các ngày sóc, vọng, lễ, Tết, việc hương khói được chăm chút đều đặn. Những khi trong nhà có việc trọng đại như dựng vợ, gả chồng cho con, làm nhà, thi cử… người Việt đều thành tâm thắp nén hương thơm để khấn báo với tổ tiên và cầu mong tổ tiên phù hộ cho mọi việc thuận buồm xuôi gió. Trong lễ cưới, khi con dâu mới, hoặc con rể mới đến nhập gia, đều phải đến trước bàn thờ làm lễ Gia tiên để ra mắt tổ tiên. Lễ Gia tiên là một thủ tục bắt buộc phải có trong những đám cưới, gả của hầu hết mọi gia đình. Sở dĩ có những hành động đó bởi người Việt luôn có niềm tin rằng giữa người sống và người đã mất có một sợi dây liên kết mật thiết với nhau và hỗ trợ nhau. Con cháu thì giữ gìn đạo đức, kính cẩn thờ cúng khấn báo tiền nhân. Tổ tiên lại chở che, dẫn dắt hậu thế, nên việc cúng giỗ là giây phút giao hòa giữa âm với dương một cách linh thiêng mầu nhiệm.
Tết Nguyên đán là thời điểm quan trọng nhất trong năm mang ý nghĩa thiêng liêng, là dịp để mọi người nhớ về cội nguồn. Trong đó, phong tục thờ cúng tổ tiên ngày Tết của người Việt là một nghi thức tâm linh, thấm đượm tính nhân văn và đạo lý. Tết là dịp để chúng ta mời ông bà, tổ tiên về chung vui với cháu con dịp đầu năm mới cho nên bàn thờ ngày Tết cũng trở nên đặc biệt. Việc trang hoàng bàn thờ tùy thuộc điều kiện hoàn cảnh mỗi nhà nhưng mâm ngũ quả là thứ không thể thiếu bởi nó là biểu tượng cho năm điều nguyện ước của con người: Phúc (hạnh phúc), Lộc (giàu có), Thọ (Sống lâu), Khang (Minh mẫn) Ninh (an yên) và cũng tượng trưng cho ngũ hành tương sinh (Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ). Mâm ngũ quả trước hết là để thờ cúng tổ tiên, làm tăng phần trang trọng nơi thờ phụng và làm cảnh quan ngày Tết gia đình thêm ấm áp, rực rỡ.
Bằng việc thờ cúng tổ tiên, thế hệ trước nêu gương cho thế hệ sau không chỉ vì trách nhiệm đối với các bậc sinh thành mà còn để giáo dục, dạy dỗ con cháu. Không nhất thiết phải là mâm cao cỗ đầy chỉ cần một nén hương lên bàn thờ tổ tiên trong ngày lễ, Tết, hay ngày giỗ, con cháu trong gia đình cũng thể hiện được tấm lòng thành kính, hướng về cội nguồn, tưởng nhớ những người thân đã khuất.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam đã góp phần tạo ra những giá trị đạo đức truyền thống như lòng hiếu thảo, lòng nhân ái, tính cộng đồng, tính cần cù, sáng tạo, lòng hiếu học, lòng yêu nước. Hiếu với tổ tiên, ông, bà, cha, mẹ còn được nâng lên cao hơn, đẹp hơn, đó là “hiếu với dân, với nước”. Những giá trị đó sẽ tồn tại vĩnh hằng cùng với sự phát triển của dân tộc ta.
Nguồn: baohungyen