1. Giải Thích Các Thứ Bậc Tiền Nhân
Trong phả cổ hoặc trong cúng tế những bậc quá cố được viết và đọc khác so với khi còn sống. Theo đó, phân thứ bậc các đời thì người xưa áp dụng hệ thống “cửu tộc”, hay xưng hô theo Hán-Việt phân chia Thập hệ.
Cha gọi là Hiền khảo, mẹ là Hiền tỷ;
Ông bà nội là Tổ khảo, Tổ tỷ;
Cụ (cố) là Tằng Tổ khảo, Tằng Tổ tỷ;
Kỵ (can) là Cao Tổ khảo, Cao Tổ tỷ;
Các bậc trên nữa gọi chung là Tiên Tổ các đời cho đến Thủy Tổ. Một số họ từ bậc Cao Tổ khảo, cứ thêm một bậc lại thêm một chữ “cao”, chẳng hạn: Cao Cao Tổ khảo, Cao Cao Cao Tổ khảo… Cách đọc này cũng khá bất tiện nên ít được dùng.
Cách xưng hô thứ bậc trong Gia tộc theo từ Hán – Việt:
Từ ngữ, ngôn từ trong gia tộc là một hệ thống tương đối chặt chẽ. Trong các bản gia phả hầu hết là từ Hán Việt, trong ngôn ngữ hàng ngày thì hầu hết là từ Thuần Việt.
Trong hệ thống gia phả, có cách phân chia Thập hệ (10 thế hệ) như sau:
[+5]. Tiên tổ (khảo)
[+4]. Cao tổ (khảo)
[+3]. Tằng tổ (khảo)
[+2]. Hiển tổ (khảo)
[+1]. Hiển (khảo)
[0]. Bản thân
[-1]. Tử
[-2]. Tôn
[-3]. Tằng tôn
[-4]. Huyền tôn.
Thập hệ này tính theo Nội tộc, tức là theo đằng Cha, Ông nội…
Chữ “Khảo” chỉ đi với người trực hệ và dành cho người đàn ông; chữ “Tỷ” dành cho người đàn bà.
Bậc Hiển bao gồm Cha, chú, bác (trai) đằng nội. Cha là Hiển khảo, chú là Hiển thúc, bác là Hiển bá.
Bậc Hiển tổ bao gồm các ông. Ông nội là Hiển tổ khảo. Các ông khác là Hiển tổ thúc, hiển tổ bá.
Bậc Cao tổ là bậc Cụ (Cố).
Bậc Tiên tổ là bậc Kị (Can).
Tuy vậy không nhất thiết Tiên tổ và Cao tổ có nghĩa là ở vào hàng [+5] và [+4].
Thường theo các Gia phả, thì bậc đầu tiên trong Gia tộc sẽ là Tiên tổ, tiếp theo là Cao tổ. Vì vậy nếu gia tộc có nhiều đời thì tiếp theo Cao tổ sẽ không phải là Tằng tổ, mà là các bậc Đệ tam tổ, đệ tứ….
Tiên tổ (khảo) sẽ là người đầu tiên mở ra Gia tộc, một dòng, hoặc một chi họ. Nhưng không nhất thiết phải là tổ của Họ.
Tổ của một họ là Thuỷ tổ, thường không biết được chính xác, ngoại trừ một số ít họ.
Bậc tổ khai nghiệp của Hoàng tộc sẽ là Thái tổ.
Ngày nay, khi lập gia phả theo lối mới ta nên áp dụng những con số liên tiến theo thứ tự. Về chi nhánh theo số La Mã (I, II, III…) hoặc theo các chữ cái vần A, B, C… về các đời thì cũng theo thứ tự diễn tiến theo những con số tương ứng (Đời 1, Đời 2, Đời 3…). Các chức danh tương ứng ngày xưa thì gọi theo hệ thống “cửu tộc” hay “thập hệ”.
+ Số đếm và số thứ tự trong Hán ngữ cổ đại:
1 nhất 一 | 7 thất 七 | 13 thập tam 十 三 |
2 nhị 二 (lưỡng 兩 ) | 8 bát 八 | 14 thập tứ 十 四 |
3 tam 三 | 9 cửu 九 | 15 thập ngũ 十 五 |
4 tứ 四 | 10 thập 十 | 16 thập lục 十 六 |
5 ngũ 五 | 11 thập nhất 十 一 | 17 thập thất 十 七 |
6 lục 六 | 12 thập nhị 十 二 | 18 thập bát 十 八 |
Cách ghi Thần chủ (hay còn gọi là linh vị / bài vị):
Các bậc Thủy tổ:
- Thủy tổ ghi: Nhất thế (đời thứ nhất) Thuỷ Tổ khảo Tiền hương thượng kỳ (trên 70 tuổi) / trung kỳ (từ 60-70) lão, và chức vụ xã hội nếu có…và (họ của vị thủy tổ)… và mạnh công tự (tên đệm và tên húy của vị Thủy tổ)…và thụy chất trực phủ quân;
Ví dụ: vị tổ khảo của dòng họ Nguyễn có tên là Nguyễn B, thì được ghi:
Nhất thế Thủy Tổ Khảo Tiền hương thượng kỳ lão, kiêm Thập lý hầu Nguyễn mạnh công tự B thụy chất trực phủ quân.Phần mộ hiện nay an táng tại nghĩa trang dòng tộc, tại Hà Tĩnh tỉnh, Đức thọ thị trấn.
- Thủy tổ phu nhân ghi: Nhất thế Thuỷ Tổ tỉ y phu chức … (họ của vị phu quân của thủy tổ bà) … mạnh công chính thất (nếu vợ thứ thì ghi là á thất) … (họ tên của vị Thủy tổ bà) …từ thuận (nếu vợ thứ thì ghi là trinh thuận) nhũ nhân;
Các bậc tiên tổ:
- Tiên tổ khảo ghi: Nhị thế (đời thứ hai)/ tam thế (đời thứ ba)/vv… Tiên Đại Tổ khảo Tiền hương thượng kỳ / trung kỳ lão …(họ của vị thủy tổ) …mạnh công (nếu con thứ thì ghi trọng công, con út thì ghi quý công) tự…(tên đệm và tên húy của vị Thủy tổ)…thụy chất trực phủ quân;
- Tiên tổ tỉ ghi: Nhị thế / Tam thế… Tiên Đại Tổ tỉ y phu chức …(họ của vị thủy tổ) mạnh công (nếu con thứ thì ghi trọng công, con út thì ghi quý công) chính thất (á thất)…(họ tên của vị Thủy tổ bà)…từ thuận (trinh thuận) nhũ nhân;
- Tiên tổ cô (em gái, chị gái của của tiên tổ khảo, người không lập gia đình, khi chết được thờ phụng trong từ đường và được tôn là tiên tổ cô) ghi: Nhị thế/Tam thế/vv… Tiên tổ cô … Nguyễn thị/ Trần thị/ Lê thị nhất nương (hay nhị nương/tam nương/vv… – ngôi thứ sinh thành) …(tên và tên đệm của thủy tổ cô)…thần vị;
- Đường thúc tiên tổ (em trai của Tiên Tổ Khảo) ghi: Nhị thế/tam thế/vv… Đường thúc tiên tổ Tiền hương trung kỳ lão …(họ của vị thủy tổ) …mạnh công tự…(tên đệm và tên húy của vị Thủy tổ)…thụy chất trực phủ quân;
- Dòng cuối cùng của việc lập danh sách: không phải gia tộc nào cũng tập hợp được hết một cách đầy đủ tên tuổi các vị liệt tông liệt tổ, bởi từ nhiều lý do như: chiến tranh loạn lạc, lũ lụt, đói kém vv… khiến cho phải tha hương, chết không quê quán, không người hương khói. Muốn cho trọn đạo nghĩa, không bỏ sót các vị liệt tiền liệt tổ trong thờ phụng, khi lập danh sách, hay lập sớ khấn, luôn luôn nhớ phải ghi câu sau đây vào các sớ cúng:
Cùng toàn thể các liệt vị Tổ phúc, Tổ kỳ, bất kỳ danh hiệu mà hậu duệ sơ sót chưa có cơ hội nhận biết dung nhan, chưa cập nhật đầy đủ húy danh, cúi xin bỏ quá lỗi lầm, theo thứ tự ngôi vị tọa bàn, mời tất cả cùng về đây sum vầy hưởng thụ.
Ghi chú:
- Con cả : ghi tên đệm là mạnh công
- Con thứ: ghi tên đệm là trọng công
- Con út: ghi tên đệm là quý công
2. Phong Tục Cúng Giỗ
Theo sách Thọ Mai Gia Lễ thì ông bà ta có tục lệ “Ngũ đại mai thần chủ”, tức việc cúng giỗ chỉ thực hiện trong 5 đời theo phép “Ngũ đại đồng đường”.
五 代 埋 神 主: Ngũ Đại Mai Thần Chủ |
五 (ngũ = 5) |
代 (đại = đời) |
埋 (mai = mai táng, chôn cất) |
神 (thần = thần linh, thần hồn) |
主 (chủ = chủ nhân, chú |
Cần chú ý là hai chữ “thần chủ” (神 主) ghép với nhau là một từ chỉ cái bài vị (tấm thẻ đề tên người chết) đặt trên bàn thờ để thờ.
“Ngũ đại mai thần chủ” = Năm đời thì đem chôn bài vị.
Xưa không có ảnh, nên ai chết thì làm bài vị, đặt trên bàn thờ để cúng giỗ.
Đây là câu quy định cách cúng giỗ tổ tiên, đến năm đời thì đem bài vị chôn đi, cúng giỗ chung với các bậc tổ tiên.
Trong 5 đời là tính cả đời người chịu trách nhiệm cúng giỗ (đời 1), nên thực tế thì chỉ cúng có 4 đời là: Cao, Tằng, Tổ, Phụ, tức 4 đời tính từ dưới lên là: cha mẹ (đời 2), ông bà (đời 3), cụ (hay cố, đời 4) và kỵ (hay can, đời 5). Các đời trên Cao tổ khảo (tức kỵ/can) gọi chung là Tiên tổ thì không cúng giỗ nữa mà nhập chung vào kỳ xuân tế, hoặc phụ tế vào ngày giỗ của Thuỷ tổ.
Người chịu trách nhiệm cúng giỗ sẽ mang thần chủ của cụ đời thứ 6 đem đi chôn và sửa lại thần chủ của các đời bên dưới bằng cách nâng lên một bậc, cụ đời 6 được rước vào nhà thờ họ để khấn chung với cộng đồng Gia tiên trong các dịp giỗ chạp, tết lễ.
3. Cúng Giỗ Và Thờ Phụng Tổ Tiên
Từ xa xưa, việc thờ cúng đã trở thành một phong tục truyền thống của người dân Việt Nam ta. Ngoài sửa soạn phẩm vật thể hiện tâm thành thì bài văn khấn chỉn chu, đúng nghĩa, đúng Pháp để truyền đạt tâm nguyện chân thật của mình là điều không thể thiếu.
Cúng giỗ
Theo tục lệ, ngày giỗ là “chung thân chi tang” có nghĩa là ngày tang trong suốt cả đời người. Mỗi năm vào đúng vào ngày chết của một người là một lần giỗ cho nên người xưa thường quan trọng ngày cúng giỗ ông bà cha mẹ.
Những gia đình sung túc thường làm lễ cúng tiên thường vào ngày hôm trước để yết cáo tổ tiên và cáo tri người được làm giỗ.
Lễ cúng này vào buổi chiều. Nhiều nhà có hương hỏa, lợi nhuận hay kỵ để làm giỗ thì anh em bà con thân thích đến cúng tiên thường xong, đêm ở lại chầu chực gia tiên để qua ngày hôm sau làm lễ bái chính giỗ. Lệ thường người ta làm giỗ lớn với bậc sinh thành, rồi mỗi đời trở lên được làm kém đi. Chẳng hạn như giỗ các cụ, kỵ xa đời cùng là những người thân thuộc nhưng không quan trọng về huyết thống trong gia đình như chú bác, cô dì không có con cháu giỗ quảy mà mình phải thay thế thì làm giỗ đơn giản, không có mời khách khứa gọi là “giỗ giúi”.
Theo tục lệ, cho dầu làm tiệc lớn mấy đi chăng nữa, bữa cúng cũng phải có chén cơm xới đầy có ngọn, úp lồng một cái chén khác lên trên gọi là chén cơm lồng cùng trứng gà luộc đã bóc vỏ dẹt ra trên đĩa với một ít hột muối. Vì thế mới có tên cúng giỗ là “cúng cơm”. Những khách khứa cùng bà con thân thích, trước khi ngồi vào bàn, ván ăn giỗ phải làm lễ dâng cúng với những lễ vật mình đem tới và lạy trước bàn thờ xong đã.
Trên bàn thờ đèn nhang đã được thắp từ trước khi các thức ăn được bày lên. Gia trưởng phục sức chỉnh tề, có khi mặc áo thụng, chú trọng xem xét và rà soát lại các lễ vật có đầy đủ rồi mới bước vào chiếc chiếu trải trước bàn thờ, lễ bốn lạy, quỳ xuống, hai tay chắp lại vòng ngang trán. Một trong hai người chấp sự, thường là em hay con cháu gia trưởng, đứng hai bên bàn thờ, lấy ba nén hương châm lửa thắp, đưa cho gia trưởng vái một vái dài rồi trao lại đem cắm lên bát hương. Người chấp sự thứ hai mở nút bình rượu, rót rượu lên ba chén để trên đ ài, xong đâu vào đó rồi gia trưởng làm lễ khấn. Lời khấn có những đặc điểm sau:
- Cáo tri địa điểm hành lễ, từ nước trở xuống xã thôn.
- Nói rõ con cháu, liên hệ gia đình làm lễ cúng với các món cỗ bàn, dâng lên hương hồn ai có tên gì, từ trần ngày tháng năm, chôn ở đâu.
- Mời người có tên giỗ về hưởng, chứng tri lòng thành và phù hộ cho con cháu được mọi sự tốt lành.
- Cũng mời tất cả các vị tổ, đọc rõ tên, cùng thân thuộc nội ngoại đã quá vãng cùng về hưởng lễ cúng.
Khấn xong, gia trưởng cúi xuống, lễ nốt một nữa lạy nữa rồi đứng lên vái ba vái rồi lùi ra. Tiếp sau đó là những người trong họ tộc, theo thứ tự quan trọng và hạng bậc vào làm lễ với bốn lạy ba vái. Nếu là lễ tế, thì theo tục lệ tế lễ thần thánh, tế tổ tiên… có ghi các nghi tiết được sắp xếp một cách quy củ trang trọng. Trước bàn thờ chính có trải bốn chiếc chiếu. Hai bên chiếu trải, bên phải bàn thờ có án để rượu và đ èn nến, bên trái có án để đ ài rượu và khay trà. Nghi tiết đầy đủ thường được áp dụng trong một cuộc tế lớn trong làng xã hay gia đình Phật giáo và Khổng giáo gồm có các thủ tục đại cương, ghi theo thứ tự tờ xướng lễ như sau:
1. Hành Tế Thánh đại lễ, chấp sự giả các tư kỳ sự (Bắt đầu tế Thánh, các vị chấp sự phải liệu việc của mình). |
2. Khơi chung cổ (Đánh chuông trống thường là ba hồi). |
3. Nhạc công tấu nhạc (phường bát âm cử nhạc). |
4. Thuế cân, nghệ quán tẩy sơ (Các vị dự tế rửa tẩy, lau tay). |
5. Chánh tế viên tựu vị (Vị chánh tế vào đứng ở chiếu thứ ba). |
6. Bồi tế viên tựu vị (Các vị bồi tế vào đứng ở chiếu thư tư). |
7. Cử soát tế vật (Hai người chấp sự cầm đ èn đưa cho vị chánh tế đi kiểm soát các lễ vật coi như có sơ suất không). |
8. Tham thần cúc cung bái (Chủ tế và bồi tế cùng lạy bốn lạy nhịp xướng theo nhịp xướng của người xướng tế: hưng là đứng dậy, bái là lạy theo lối phủ phục toàn thân). |
9. Hành sơ hiến lễ. Chánh tế viên nghệ hương án tiền (Làm lễ sơ hiến, vị chánh tế bước ra ngoài, vòng lên chiếu thứ nhất trước hương án). |
10. Quỵ (Vị chánh tế quỳ xuống). |
11. Tiến tước (Hai chấp sự đem rượu đến quỳ cạnh chủ tế cho chủ tế rót. Chủ tế vái rồi đưa cho chấp sự để lên bàn thờ). |
12. Phủ phục, hưng bái (Chủ tế khấu đầu, lạy hai lạy). |
13. Bình thân, phục vị (Chủ tế đi ra, vòng xuống đứng lại ở chiếu thứ ba). |
14. Nghệ độc chúc sở tại hương án tiền (Chủ tế bước lên chiếu thứ nhất). |
15. Quỵ (Chủ tế quỳ xuống). |
16. Chuyển chúc (Hai chấp sự lên bàn thờ đem chúc xuống quỳ bên cạnh chánh tế). |
17. Tuyên đọc (Người đọc chúc quỳ bên cạnh tuyên đọc). |
18. Phủ phục, hưng bái (Chủ tế khấu đầu lạy hai lạy). |
19. Bình thân, phục vị (Chủ tế về chỗ cũ). |
20. Hành Á hiến lễ nghệ hương án tiền (Dâng rượu lần thứ hai như lần sơ hiến). |
21. Phủ phục, hưng bái (Khấu đầu lạy hai lạy). |
22. Bình thân, phục vị (Chủ tế về chỗ cũ). |
23. Hành Chung hiến lễ nghệ hương án tiền (Dâng rượu lần thứ ba). |
24. Bình thân, phục vị (Chủ tế về chỗ cũ). |
25. Nghệ tộ sở (Chủ tế lên chiếu lần thứ hai chờ lễ tộ sở). |
26. Quỵ (Chủ tế quỳ xuống). |
27. Tứ phúc tộ (Chấp sự lên bàn thờ lấy khay rượu thịt được thần hay gia tiên ban cho chủ tế). |
28. Thụ tộ (Chấp sự đưa khay cho chủ tế. Chủ tế đón nhận, uống một hớp rượu tượng trưng). Khay rượu thịt cho chủ tế mang về sau khi tế xong. |
29. Phủ phục, hưng bái (Khấu đầu lạy hai lạy). |
30. Bình thân, phục vị (Chủ tế về chỗ cũ). |
31. Bình thân điển trà (Chấp sự dâng trà lên bàn thờ). |
32. Hành tạ lễ cúc cung bái: (Chủ tế và bồi tế tạ bốn lễ). |
33. Bình thân phần chúc (Chủ tế và bồi tế đứng lui ra để người chấp sự đốt sớ). |
34. Lễ tất (Xong lễ, mỗi người vái ba vái). |
Trong lễ này có mấy điều chú ý như sau:
- Khi chủ tế di chuyển đổi chỗ trên các chiếu, từ chiếu dưới lên chiếu trên thì phải bước ra khỏi chiếu rồi bước lên về phía bên phải của mình, và khi trở xuống cũng bước ra khỏi chiếu trở về phía bên trái của mình tức là bên phải của bàn thờ.
- Hai người bồi tế ngoài nhiệm vụ phụ giúp chủ tế trong việc hành lễ còn có nhiệm vụ thay thế người chủ tế nếu người này vì bất cứ lý do gì không hành lễ được.
- Khi đốt sớ, mọi người dự tế đều phải đứng quay mặt và ngó vào chỗ đốt sớ.
Cách thức lạy
Ngày nay, cách lạy cũng đã được giản lược, hoặc vì không hiểu đúng phép người ta hành lễ một cách lấy có với những động tác vô nghĩa. Đã có xu hướng thay thế lạy bằng những cái “xá”, nhất là những người ăn mặc Âu phục. Rồi đây, có thể tục lạy sẽ bị bỏ dần và mất hẳn trong mọi lễ nghi trong gia đình cùng ngay cả ở các đền chùa. Thiết tưởng cũng cần ghi lại một vài nét về tác động của cách lạy với hoài mong lưu lại một chút cơ sở về sau.
Người lạy đứng thẳng, chắp tay lên cao ngang trán, cong mình xuống, đặt hai tay vẫn chắp xuống chiếu, cúi rạp đầu xuống gần bàn tay đang chắp (đây là thế phủ phục), cất đầu vào mình thẳng lên đồng thời co hai tay vẫn lên chắp trước ngực và co đầu gối bên phải lên, đặt bàn chân phải lên chiếu để sửa soạn đứng dậy, đem hai bàn tay vẫn chắp xuống tì vào đầu gối bên phải mà đứng lên, chân trái đang quỳ tự nhiên theo cử động chót này cùng đứng thẳng lên. Người lạy, trước khi khấn đã lễ bốn lạy, và sau khi khấn từ tư thế quỳ đứng lên, đã qua như lễ được một nữa lạy, cho nên người ta thường nói là lạy “bốn lạy rưỡi” là vậy.
Văn tế, văn khấn thật ra chỉ là những lời nói sửa soạn trước cho được nghiêm chỉnh với việc dùng từ ngữ cẩn thận và cách thức kính cẩn trình bày lên các đấng thần thánh, với tổ tiên trong các lễ tế hay cúng giỗ. Cũng có một số bài đã trở thành những áng văn chương tuyệt tác, ý nghĩa thâm trầm được làm ra do những văn tài xuất chúng. Chẳng hạn như bài văn tế tiểu tường do thi sĩ Tản Đà làm giúp cho một vị tri huyện tế mẹ đã được dẫn ở đoạn trước. Thông thường văn tế, văn khấn chia làm ba đoạn chính:
- Đoạn thứ nhất gồm có ngày tháng, tên của người đứng ra chủ động việc cúng tế và nói về lễ vật.
- Đoạn thứ nhì gồm tên tuổi, hiệu, thụy các vị được cúng tế.
- Đoạn thứ sau cùng nói rõ mục đích của tế lễ, nhân dịp nào.
Văn tế thường theo một thể riêng như thể phú. Văn khấn có thể viết theo văn vần, gồm một đoạn theo thể phú, hoặc bằng văn xuôi. Văn khấn cũng như văn tế, khi người hay giỏi chữ Nho thường dùng Hán văn, về sau người ta chuyển sang Việt văn. Cần nhất là hay, có ý nghĩa và được đọc một cách trang trọng. Điều cần lưu ý là trong các lễ giỗ kỵ, văn khấn nên viết sẵn ra giấy. Người chủ lễ đứng trước bàn thờ, vái bốn vái rồi cầm giấy đưa ra trước mặt mà đọc. Đọc xong vái năm cái. Tiếp theo là thân nhân trong gia đình vào lễ theo thứ tự.
Sau đây là một bài văn khấn Nôm bằng thơ nhằm mục đích giúp đ àn bà, trẻ con có thể học và dễ nhớ theo một thức giả xưa làm ra, dùng vào việc cúng lễ gia tiên:
Ngày … tháng … năm (âm lịch), tín chủ là … tuổi … sinh quán tại … trú quán tại … cùng toàn gia.
Cẩn trọng khi dân cúng gia tiên
Thức ăn các thứ, nói chung là đồ lễ dâng cúng gia tiên bao giờ cũng thanh khiết và dành riêng, không được để con cháu đứa nào đụng tới. Các thức ăn đã nấu nướng xong, phải đem cúng gia tiên trước rồi con cháu mới được ăn. Cũng như lúc ông bà còn sống, ông bà cha mẹ chưa ăn thì con cháu không được phép động tới.
Để tránh tình trạng lỗi lầm do không biết của các cháu nhỏ, các thức ăn nấu nướng xong phải được múc ra dành cho việc cúng lễ cho phải phép.
Trong việc cúng ông bà, chẳng nên làm lấy có hay chỉ để khoe khoang với thiên hạ. Phải lấy tâm thành, kính trọng làm gốc. Người xưa quan niệm rằng trong lòng nghĩ thế nào quỷ thần đều biết rõ (Tâm động quỷ thần tri).
Cúng bái chỉ làm cho có hình thức, thiếu lòng thành kính tức là thiếu sự hiếu thảo ngay lành. Không một vị tổ tiên nào chứng giám cho những con cháu có cúng mà không có kính. Thà chén cơm dĩa muối mà lòng thành hơn mâm cao cỗ đầy mà tâm địa dửng dưng.
4. Thờ Phụng Tổ Tiên
Thờ ông bà là một bổn phận và nhiệm vụ trọng đại đặc thù của người Việt Nam. Trong quảng đại quần chúng xưa và nay, người ta thường nói “đạo thờ ông bà” là tín ngưỡng sâu sắc, nhưng không là một tôn giáo, “đạo” nói ở đây phải hiểu là đường lối.
Thờ ông bà là một trách nhiệm có tính cách luân lý, sự phát lộ tình cảm và lòng tin huyết thống được thể hiện trong môi trường gia tộc, không có tính cách thần thánh hóa, nhất là không có tu sở như là chùa hay nhà thờ và cũng không cần có người giảng thuyết làm gạch nối liền giữa đạo và đời. Thờ ông bà xuất phát từ tâm thành của người sống, thế hệ sau đối với người chết, thế hệ trước. Thờ thì phải có lễ và cúng bái, hành động biểu tỏ lòng tôn kính và nhớ thương. Dân tộc Việt Nam chủ trương thờ ông bà là vì đã từ lâu hiểu rằng “cây có cội, nước có nguồn”, ai ai cũng tưởng nhớ đến nguồn gốc sinh thành ra mình.
Tinh thần “uống nước nhớ nguồn” là một trong những bài học đầu tiên về “học làm người”, mở đầu cho những bài giáo khoa luân lý và công dân giáo dục, được các học trò nhỏ đọc ra rả ở lớp vỡ lòng dưới các mái trường xưa:
“Cây có gốc mới nở nhành xanh ngọn,
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu,
Người ta nguồn gốc từ đâu?
Có cha mẹ rồi sau có mình.”
Tổ tiên sinh ra ông bà, ông bà sinh ra cha mẹ, cha mẹ sinh ra mình. Người con hiếu thảo phải biết ơn nghĩa sinh thành của bố mẹ, và đã hiếu với cha mẹ phải hiếu với ông bà tổ tiên tức là nguồn gốc của mình. Lúc ông bà, cha me còn sống, con cháu phải phụng dưỡng, phải tuân theo các lời dạy bảo của các người, cũng như thờ các tổ tiên về trước.
Thờ cúng tổ tiên nghĩa là lập bàn thờ tại nhà và cúng bái trong những ngày sóc vọng giỗ tết. Người Việt Nam thường ngoài tôn giáo của mình đều có thờ phụng tổ tiên, kể cả những người theo Thiên Chúa giáo. Thực ra thờ phụng tổ tiên không phải là một tôn giáo, do đó không thể gọi là đạo ông bà được. Là một đạo phải có giáo chủ, giáo điều và việc hành đạo phải qua trung gian tu sĩ. Thờ phụng tổ tiên do lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với cha mẹ, ông bà cụ kỵ đã khuất.
Cây có gốc mới nở nhành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu, thì con người phải có tổ tiên mới có thể có mình được. Bỏ tổ tiên không thờ phụng tức là quên nguồn gốc, huống chi ông bà đã là những người sinh dưỡng cha mẹ và cha mẹ đã là những người sinh dưỡng mình. Những người theo Thiên Chúa giáo, tuy không lập bàn thờ tổ tiên, nhưng không phải là không thờ phụng tổ tiên. Những ngày giỗ chạp họ vẫn làm cỗ và cầu nguyện cho người đã khuất và việc không có bàn thờ tổ tiên là việc chuyển đổi bàn thờ tổ tiên đến bàn thờ Chúa, vậy nghĩa là vẫn có sự thờ phụng tổ tiên thông qua bàn thờ của Chúa.
Qua việc thờ phụng tổ tiên tại Việt Nam, người khuất và người sống luôn luôn có một sự liên hệ mật thiết. Sự thờ cúng chính là sự gặp gỡ của thế giới hữu hình và vũ trụ linh thiêng. Đối với người Việt Nam, chết không có nghĩa là chết hẳn, thể xác tuy chết nhưng linh hồn vẫn còn và vẫn còn lui tới với gia đình. Thể xác thì tiêu tan, nhưng linh hồn thì bất diệt.
Tục ta từ xưa thì tin rằng dương sao âm vậy, người sống cần gì, sống làm sao thì người chết cũng như vậy và cũng có một cuộc “sống” ở cõi âm như ở trên dương thế. Nói cách khác đi, người chết cũng cần ăn uống tiêu pha, có nhà ở như người sống. Tin như vậy, việc cúng lễ là cần thiết, và việc thờ phụng tổ tiên không thể không có được. Cổ tục lại có tin rằng vong hồn của những người đã khuất thường luôn ngự bên bàn thờ để được gần con cháu, theo dõi con cháu trong công việc hàng ngày và giúp đỡ con cháu trong những trường hợp cần thiết.
Sự tin tưởng vong hồn ông bà ngự bên bàn thờ có nhiều ảnh hưởng lên hoạt động của người sống. Nhiều người vì sợ vong hồn cha mẹ buồn trách những hành vi xấu xa, và đôi khi định làm một công việc gì cũng suy tính kỹ lưỡng, xem công việc đó lúc sinh thời cha mẹ có chấp nhận hay không. Người ta lại sợ mang tội bất hiếu nếu làm cho vong hồn cha mẹ phải tủi hổ qua hành động của mình. Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu trong Đất Lề Quê Thói nhận định: “Đã nói tới tín ngưỡng dĩ nhiên có vấn đề tin và không tin.” Đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên là sự hiển nhiên, không có nghi vấn tin hay không tin.
Hiển nhiên, cho nên người ta vẫn cảm thông trong việc thờ cúng, mà luôn luôn tâm niệm: “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn” (thờ lúc chết cũng như thờ lúc còn sống, thờ lúc đã khuất cũng như thờ lúc hãy còn.) Trên nhiều bàn thờ tổ tiên ta thường thấy bức tranh hai chữ “Như tại” (như có ở đây) là để nói lên cái nghĩa ấy.
Kỳ đại hội tháng 10 năm 1682 ở Hội An (Trung Phần) quy tụ hai vị giám mục và gần một trăm giáo sĩ, thầy giảng các dòng đạo Ky-tô, đã thảo luận sôi nổi về việc có nên hay không nên cấm tín đồ Ky-tô thiết lập bàn thờ gia tiên trong nhà, thay đổi và hạn chế những lễ nghi trong đám tang ông bà cha mẹ và trong việc thờ cúng tổ tiên, nhận thấy rằng thờ cúng tổ tiên không phải là mê tín dị đoan. Hơn một trăm năm sau, chính một nhà truyền giáo Ky-tô, ông Bá – Đa – Lộc, cũng thắc mắc về điểm trên. Theo ông thì việc thờ cúng tổ tiên phải được coi như là việc tỏ tình kính mến đối với người đã khuất. Nếu ông kịp đi La Mã trước khi mất, như ông đã dự định, thì có lẽ ông đã trần thuyết được với tòa thánh chấp nhận ý kiến của ông.
Cử nhân Hán học Tây Hồ Bùi Tấn Niên nhận định: “Cổ lễ quan niệm rằng việc sinh tử là điều quan hệ nhất trong đời người ta. Sinh là khởi thủy, tử là chung cuộc của đời người, vì vậy thủy chung đều phải trọn vẹn.” Người quân tử phải thủy chung như một. Nếu chỉ biết trung hậu với người còn sống mà bạc bẽo với người đã chết, thì đều không phải đạo. Chính vì thế mà Cổ lễ dành rất nhiều nghi thức quan trọng cho việc tế tự.
Đức Khổng Tử đã nói rằng:
“Tế như tại, tế thần như tại”
(ý nói tuy không thấy thần linh ra nhưng khi tế cúng coi như thần linh tại đó, phải để tâm hồn tâm kính.)
Sinh hoạt xã hội Việt Nam trong hàng ngàn năm qua cũng rất chú trọng đến việc tế tự. Tại triều đình thì có tế Giao Miếu, tế Xã Tắc, các tỉnh có tế Thánh, mỗi làng có tế Thần, tư gia có cúng Tổ tiên… Riêng việc cúng Tổ tiên đã thành ra một tục lệ có tính cách dân tộc văn hóa và đi ra khỏi phạm vi tôn giáo.
5. Cách Thờ Cúng Thời Xưa
Thông thường nhà thờ của một tộc họ gồm ba gian hai chái. Ba gian dùng để thờ, gồm bàn thờ Tổ ở gian giữa và hàng kế tiếp ở hai gian bên. Ba gian này thường ngày đóng cửa. Hai chái dùng để con cháu ở, dùng để tiếp khách thường cùng bà con thân thuộc hoặc là dùng làm tiệc, hoặc để chuẩn bị cúng giỗ. Sau ba gian còn có gian phòng hay một nhà phụ cho người thừa tự trú ngụ.
Nhà thờ đại tông nhiều nơi kiến trúc như đền miếu thờ thành hoàng đằng trước có nhà đại bái để cả họ làm lễ tế tổ trong những ngày giỗ, ngày tết, cũng như nghi thức tế thần cùng nội tán, ngoại tán, cũng có văn tế với ba tuần rượu, áo xiêm hia mũ trọng thể, nếu trong gia tộc trước đây có người làm quan.
Thần chủ, còn gọi là “bài vị” có ghi đầy đủ tên húy, tên thụy và phẩm tước nếu có của thủy tổ, với ngày sinh, ngày chết, thường đặt trong một cỗ khám hay một cỗ ỷ, cỗ ngai, trên bàn thờ nơi trong cùng gian giữa. Ở đ àng trước là sập tôn và hương án với những đồ thờ. Ở hai gian bên, trên bàn thờ có đặt bài vị của các vị tổ phân chi. Tổ phân chi có thể là con cháu của thủy tổ. Ở trên bàn thờ của hai gian, có thể là bài vị của một tổ phân chi cho một gian. Thế nhưng nếu là một giòng họ lớn có nhiều tổ phân chi thì hoặc là nhiều bài vị của nhiều tổ phân chi được đặt chung trên một bàn thờ ở gian hậu phía sau, nếu có. Trong trường hợp này, nhà thờ tộc họ còn được gọi là Tổ miếu.
Nếu tổ họ là một bậc công thần khoa giáp phẩm tước cao thì đồ thờ cũng có đủ cả cờ biển, bát bửu ló bộ, tán tía tàn vàng để chứng tỏ là nhà thờ của thế gia vọng tộc. Ngoài ra còn có nhà thờ tư chi. Cũng như nhà thờ đại tông những họ thịnh vượng thường cho kiến trúc nhà thờ này rất ngiêm trang và chắc chắn với những gỗ quý. Bài vị của tổ tư chi thờ ở gian giữa, bài vị của những con trai của tổ tư chi thì được thờ ở hai gian bên.
Những bài vị, hay là thần chủ thờ trong nhà thờ đại tông và nhà thờ tư chi có tính cách vĩnh cữu, không được di dời (bách thế bất giao chi chủ). Bài vị luôn luôn được làm bằng gỗ bạch đ àn, có mùi thơm rất quý có màu trắng được viết chữ rõ ràng, phù hợp với việc thờ phụng. Trong trường hợp không tìm được gỗ bạch đ àn thì người ta dùng gỗ cây táo hay cây đại, những gỗ này không đắt không quý mà cũng chẳng bền hơn gỗ mít, gỗ vàng tâm vốn là hai thứ gỗ chuyên dùng làm đồ thờ như tượng Phật (bao giờ cũng được tạc bằng gỗ cây mít hay vàng tâm, bền hơn tất cả các thứ gỗ khác để sơn.)
Tại các nhà thờ tư gia hay các bàn thờ mỗi gia đình ít khi có thờ thần chủ (bài vị). Chỉ có những nhà có quan tước, những nhà nề nếp hay những nhà hào trưởng giàu có mới thờ thần chủ. Thờ thần chủ thì phải qua thủ tục lễ nghi phiền phức, mời quan đề và phải lập các trạm bên cạnh huyệt hay ở giữa đường đưa đám như chương trước đã mô tả.
Lễ đề thần chủ, tuy công việc chỉ trong một hai giây đồng hồ, rất tốn kém mà nghi thức rườm rà quan cách, là một hủ tục, mà người thường không dễ gì thực hiện được.
Chính nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835- 1910), đã đỗ hoàng giáp, làm quan đến tổng đốc, muốn thực hiện không phải khó khăn cho lắm nhưng đã chủ trương bài bác một cách gián tiếp khi để lại trong di chúc cho con về tang lễ của ông với hai câu:
“Minh tinh con cũng bỏ đi,
Mời quan đề chủ con thì chớ nên.“
Về các thờ thần chủ và bày biện trên bàn thờ ngày xưa. Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu trong Đất Lề Quê thói có mô tả: “Tất cả những thần chủ đủ bốn đời, kể từ thế hệ cuối cùng trong nhà trở lên, đều đặt trong khám gian (thờ khám gian để có chỗ bày được nhiều thần chủ), mỗi khi có giỗ một vị nào thì rước thần chủ vị ấy ra đặt đ àng trước khám làm lễ xong lại rước để vào nguyên vị.
Thần chủ để thờ cho đến khi vị tổ có tên đề ở đấy lên bậc năm đời (kể từ thế hệ cuối cùng trở lên) thì làm lễ chôn ở trong cùng nhà thờ, theo tục “Ngũ đại mai thần chủ” (năm đời thì chôn thần chủ). Những vị tổ kế tiếp có bài vị trong khám đương nhiên lên bậc theo thế thứ.
Từ năm đời trở lên, nếu có thờ thần chủ thì không cúng giỗ nữa, trừ ông bà thủy tổ và ông bà tổ phân chi, những vị tổ năm, sáu, bảy, … đời và trên nữa, tuy không cúng giỗ, nhưng được phối hưởng ở nhà thờ đại tông và nhà thờ tư chi nghĩa là được hưởng lễ cúng với thủy tổ, với tổ phân chi những ngày có cúng giỗ.
Phần nhiều nhà thờ gia tiên có cỗ ỷ để trong cùng. Ỷ là cái ghế ngồi là ý tượng trưng cho sự hiện diện của người đã khuất. Ỷ và khám, nhà thường dân cũng như các đồ thờ khác không được chọn vẽ rồng hay tứ linh, mà chỉ chạm vẽ hình tượng của các con vật ấy. Bàn thờ kê ỷ và bài cỗ cúng cũng không được sơn son mà chỉ sơn thăng hay cách gián thếp chỉ bạc, trừ hương án cao ở mặt tiền được sơn son thếp bạc thếp vàng.
Những gia đình sang trọng giàu có thì đồ thờ bày choán hết gian giữa, trong cùng là bàn cao chừng một thước hai mươi phân trên để khám gian, không thờ thần chủ thì trong khám có để một cỗ ỷ, trên bệ khám phía cánh cửa khám để bao đựng bằng sắc của tiền nhân. Phía trước kê một sập tôn cao chừng 75 phân (cao hơn sập ngồi thường), trên mặt sập phía trong để một cái khay lớn chân cao với ba đ ài rượu, gọi là khay đ ài, phía trước để hai mâm xà mặt (80 x 60 phân), một mâm để bày cỗ(đồ mặn) một mâm để xôi chè (đồ ngọt). Trên mặt sập hai góc ngoài để hai bình sứ cao 60, 70 phân, cắm hoa. Bên ngoài cùng là chiếc hương án cao gần ngang vai, ngắn hơn sập, đứng ngoài trông thấy rõ cả hai bình sứ. Trên giữa hương án là bát hương công đồng, phía sau là chiếc mâm đồng để bày ngũ quả hoặc chiếc tam sơn để nước và hoa. Hai bên bát hương là hai chiếc đ ài lớn để cơi trầu và mân rượu.
Phía ngoài đ àng trước để bộ đồ tam sự hay ngũ sự, hay thất sự bằng đồng. Tam sự là một cái đỉnh và hai cây cắm nến. Ngũ sự thì thêm hai cây để dĩa dầu thắp đ èn. Thất sự thì thêm một ống hạp hương để đựng trầm với một ống cắm đôi đũa và một dụng cụ bằng đồng để đốt trầm. Hai cây đ èn bộ đồ thất sự để hai góc trong và trên hương án. Mấy người ở tỉnh thành gần gũi người Trung Hoa cũng dùng ngũ sự bằng thiếc của “các chú” khác hẳn đồ thờ của ta. Hai ống cắm hương không còn chỗ trên hương án, được đặt trên mặt sập tôn hai bên khay đ ài.
Nhà bình thường không giàu có thì không có sập tôn, chẫn hương án sơn thếp lộng lẫy, chỉ một bàn thờ ở trong trên để cỗ ỷ, bên ngoài là chiếc án sơ sài cao hơn, với bát hương như thường lệ, với đ ài rượu, cây đ èn, cây nến, ống hương, đều bằng gỗ tiện và sơn son. Những đồ thờ lặt vặt này cũng bằng gỗ mít do thợ tiện làm ra bán. Ỷ khám, bao sắc, khay đ ài, mâm xà, sập tôn, hương án, hoành phi, câu đối đều làm bằng gỗ vàng tâm. Hai thứ gỗ mít và vàng tâm thích hợp với sơn ta là một thứ nhựa được trồng nhiều ở miền đồi núi Phú Thọ, Hưng Hóa, Tuyên Quang đất Bắc. Gỗ mít được cây lớn mấy cũng không đủ cho việc bề dài, vì thường cong queo, cho nên chỉ dùng làm đồ tiện và tạc tượng bằng nhiều mảnh chắp lại.
Nhà nghèo không thể sắm được chiếc bàn bằng gỗ để thờ, thì cũng đóng một cái chõng lớn bằng tre cao ngay ngực, trên mặt là ngăn tre kên, trải chiếu, bình dân quen gọi là giường thờ. Bát hương đặt trên một cái khay mộc mạc với ba chiếc chén mỏng để cúng rượu, khá hơn thì có một cái mâm xà sơn then hay để mộc không sơn, đôn cao bát hương có vẻ tôn kính hơn, với ba chiếc đ ài rượu để phía trước bát hương. Trên giường thờ bao giờ cũng có một cây đ èn bằng sành để dĩa đựng dầu thắp nếu chẳng sắm được đôi đ èn cây bằng gỗ tiện sơn phết chiếu lệ. Ống hương thì hoặc có hoặc không. Tuy vậy, mọi người trong gia đình nghèo khổ mấy sớm tối ra vào cũng thường suy tư, không bao giờ xao lãng việc thờ cúng.
Bàn thờ xưa thường nổi bật với hoành phi, câu đối. Những thứ này vừa có tính cách trang trí vừa nói lên lòng tôn kính, sự tri ân của con cháu đối với tiền nhân, mà cũng có thể nói lên công đức của người được thờ phụng. Những thứ này thường được làm bằng gỗ hay bằng giấy viết chữ đẹp dễ đọc.
Những nhà giàu có thường dùng gỗ danh mộc để thờ mãi mãi (Ngày nay, người ta làm với mỹ thuật sơn mài và cẩn ốc xà cừ). Nhà nghèo túng có thể mua ở các vỉa hè phố chợ những bản in hay viết tay trên giấy hồng đơn. Sau đây là những câu thường dùng có ý nghĩa trên các bức hoành của nhiều nhà xưa:
Đức lưu quan (đức để lại sáng)
Đức duy thinh (đức dày, truyền có tiếng thơm)
Ẩm hà tư nguyên (uống nước sông, nhớ nguồn)
Khắc xương quyết hậu (để tốt lành về sau)
Sơn cao hải tuấn (núi cao bể sâu.)
Về đối liễn thì thường có những câu đại loại như sau:
“Tổ công tông đức thiên niên thịnh
Tử hiếu tôn hiền vạn đại xương”.
(Công đức tổ tông ngàn năm thịnh
Hiếu hiền con cháu vạn đời ngay).
“Sơn cao mặc trận sinh thành đức,
Hải khoát nan thù cú dục ân.”
(Núi cao khó ví với đức sinh thành,
bề rộng khôn bì với ân bồng bế nuôi nấng).
“Tô tích bồi cơ, công đ ành sơn cao thiên cổ ngưỡng,
Vũ kim diễn phái, trạch đồng hải tuấn ức niên tư”.
(Nhớ xưa bồi đắp tảng nền, công đọ non cao, ngửa
trông muôn thuở,
Đến nay nảy nở dòng giống, ơn tày bể rộng nhuần
thấm ngàn năm).
6. Lòng Hiếu Thảo Và Việc Phụng Dưỡng
Hiếu thảo là đặc tính luân lý của người Việt Nam. Mọi người đều bày tỏ lòng hiếu thảo của mình hằng ngày qua hành vi và tưởng nghĩ. Những người con cháu có hiếu thảo với ông bà cha mẹ đều chú tâm phụng dưỡng lúc còn sống, trong tuổi già và nhớ chừng lo cúng giỗ khi các người đã lần lượt qua đời. Lòng hiếu thảo không căn cứ nơi giá trị của vật chất hay số lượng của thức uống miếng ăn mà đặt trên nền tảng của lòng tưởng nhớ hàng ngày, sự chăm lo chăm sóc hằng bữa nơi con cháu.
Phan Kế Bính trong Việt Nam Phong Tục đã viết: “Ta đọc sách Thánh hiền, lấy sự hiếu với cha mẹ là mối luân thường rất lớn, làm đầu trăm nết hay của người. Mà nhất là ta hay lấy chuyện Nhị Thập Tứ Hiếu làm phương châm cho đạo làm con”.
Hiếu là biết kính trọng thương mến cha mẹ, biết vâng lời cha mẹ, biết phụng dưỡng cha mẹ. Tục thường cho khi cha mẹ còn không nên đi xa, sợ không được thừa hoan ở dưới gối cha mẹ. Cho nên nhiều người phải bỏ đi làm quan xa, hoặc phải đi làm ăn xa xôi thì thường hay từ rằng ở nhà còn chút cha già hay mẹ già. Nhà nào cha mẹ mạnh khỏe, giàu có thì thường ở riêng một mình. Người nào già yếu hoặc không có của thì mới ở với con. Con có thì của ngon vật lạ, cơm dâng nước tiến, nhà nghèo cũng biết lưng cơm lành bát canh ngon để phụng dưỡng cha mẹ. Cũng nhiều người ăn riêng ở riêng, cứ tháng đưa tiền cung dưỡng. Hoặc ở xa xôi cách biệt đôi khi gởi đồng quà tấm bánh về dâng cha mẹ…
Nết hiếu vẫn là nết đầu trong luân lý của người ta, nếu cha mẹ là người rất thân mà cư xử đã chẳng ra gì thì ra đến xã hội còn tử tế với ai được nữa. Tuy vậy, hiếu với cha mẹ, chỉ cốt giữ được lòng kính mến là đủ, tưởng không cần phải giữ lễ phép tỉ mỉ nhỏ nhặt từng tí làm gì. Quý hồ phụng dưỡng đâu có đấy đừng để cho cha mẹ phiền lòng. Mình mong cho cha mẹ vẻ vang thì mình lại càng phải nghĩ cách mà lập thân mình. Hoặc học được khoa gì, hoặc làm được một sự nghiệp gì, để có ích cho xã hội mới là làm cho cha mẹ được vẻ vang.
Trong cách lối phụng dưỡng cha mẹ già ngày xưa có việc mừng sinh nhật và ăn mừng thượng thọ. Việc mừng sinh nhật và thượng thọ cho cha mẹ chỉ thể hiện trong những gia đình lớn khá giả. Trong ngày sinh nhật của cha hoặc mẹ, con cái làm tế lễ cha mẹ, rồi bày ra một tiệc ăn mừng có mời những người thân thích đến tham dự. Những gia đình nào có cha mẹ già đến bảy, tám mươi tuổi, mà nhà sung túc về tiền của lẫn con cháu, thì làm lễ mừng thọ cho cha mẹ gọi là lễ “Thượng thọ”. Lễ thượng thọ có thể bắt đầu từ:
Lúc 60 tuổi: | gọi là thượng thọ lục tuần. |
Lúc 70 tuổi: | gọi là thượng thọ thất tuần. |
Lúc 80 tuổi: | gọi là thượng thọ bát tuần. |
Lúc 90 tuổi: | gọi là thượng thọ cửu tuần. |
Lúc 100 tuổi: | ăn mừng lớn: bách tuế hay bách niên chi lão. |
Hôm ăn mừng, trước hết người ta làm lễ gà xôi, hoặc tam sinh, hoặc heo bò, đem ra đình lễ thần, gọi là bái tạ thần hưu, có nghĩa là tạ ơn thánh thần đã phù hộ cho cha mẹ sống lâu. Đến lúc lễ, cha hoặc mẹ ăn mặc đẹp ngồi trên ghế đặt chính gian giữa cho con cháu theo thứ tự lễ bái lạy. Con cháu mỗi người dâng chén rượu mừng thọ, hoặc là dâng quả đ ào, gọi là bàn đ ào chúc thọ việc này do điển tích bà Tây Vương Mẫu ngày xưa hiến vua Hán Vũ Đế mấy quả đ ào tiên, có nói rằng ăn quả đ ào ấy thì được trường thọ.
Ngày nay, những gia đình khá giả cũng có con cháu tổ chức mừng thượng thọ cho cha mẹ. Hình thức có thay đổi ít nhiều, nhưng thường là con cháu mua nhiều tặng vật mừng cha mẹ, gọi là đồ dưỡng già như là mền, áo ấm v.v… và tổ chức tiệc ăn mừng trọng thể tại nhà hàng hoặc tại nhà có mời đông đảo những thân bằng quyến thuộc của gia đình đến dự.
Ngày xưa, sau khi con cháu làm lễ bái xong, tiệc ăn mừng có mời làng nước đến dự, có nhà ăn mừng đôi ba ngày, cũng có trường hợp tiệc kéo dài đến năm bảy ngày. Khách khứa đem đồ lễ vật đến mừng thọ, cũng như mọi việc ăn mừng khác.
Phan Kế Bính có quan điểm như sau:
“Mừng thọ và mừng sinh nhật của cha mẹ cũng là một việc để tỏ lòng kính yêu cha mẹ là việc rất hay, người không có thì chẳng kể gì, nhưng giàu có thì nên lắm, có lẽ hơn là làm giỗ ngày húy nhật. Ta không mấy nhà theo lễ ấy mà chỉ phù hoa sau khi cha mẹ đã mất rồi, thực là một việc sai lầm.“
7. Cúng Gia Tiên
Ngoài những ngày giỗ kỵ, còn gọi là “HÚY NHẬT”, trong một năm có nhiều lễ, theo thời tiết, gọi là “LỄ TIẾT” áp dụng chung cho mọi nhà như là:
- Ba ngày Tết Nguyên Đán.
- Lễ Thanh Minh hay còn gọi là lễ mộ, lễ dẫy mả (thường ở tháng ba âm lịch).
- Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5).
- Trung Nguyên, còn gọi là Lễ Vu lan, mùa Vu lan, mùa báo hiếu (vào ngày rằm tháng 7 âm lịch). Ngày nay, người ta coi suốt tháng 7 âm lịch là “mùa” để thể hiện việc báo hiếu qua các nghi thức cúng kiến lễ bái, đi chùa…
- Trung Thu (rằm tháng 8).
- Gạo mới (tùy theo đồng chiêm tháng tư, đầu mùa tháng 8).
- Đầu mùa bánh trái.
- Việc hiếu hỉ (trong các lễ hỏi, cưới).
- Cuối năm còn có chạp ông bà và lễ Tất niên (vào ngày 12 tháng chạp và Tất niên vào ngày 25 tháng chạp, gọi là lễ đưa ông bà).
Ngày xưa, ngoài những nhà nghèo khổ quá thì phải đ ành, những nhà đủ ăn hay tạm đủ ăn trở lên cũng luôn luôn giữ một mực nền nếp cúng ông bà, đủ mọi lễ trong bốn mùa một năm. Thông thường, người xưa cúng lễ vật như sau:
1. Dâng cúng nhân dịp đầu mùa: Bánh trôi nước, bánh chay, dưa hấu, vải, nhãn, mãng cầu (na), cốm, hồng, cơm gạo mới với chim ngói…
2. Ngày rằm mỗi tháng: Tùy theo gia đình, hoặc là thắp nhang không thôi, chẳng có lễ vật, hoặc là dâng cúng bánh trái, hoặc là trà, trầu, rượu.
3. Những trường hợp bất thường như:
- Nhà có việc vui mừng như sinh con, cưới gả, mừng thọ, thi đậu, khao vọng (Ngày nay, kể cả việc trúng số hay là làm ăn thành đạt lớn, được lợi nhuận vào không lường trước).
- Gia đình có tang ma cùng với những giai đoạn làm ăn khó khăn, gặp lúc hoạn nạn, thất bại, vấp ngã trên đường đời và tạo dựng sự nghiệp.
- Đi công vụ hay đi xa, đi thi cử hay từ xa mới trở về. Ngày nay có thêm việc mở cửa hàng kinh doanh… Trong những trường hợp này, người ta thường làm lễ cáo yết ông bà để tạ ơn hay cầu xin ông bà phù hộ che chở.
Ngày xưa, người xưa thường cúng đầu heo, gà luộc, đĩa xôi hoặc hoa trái, và đơn giản hơn nửa là trầu rượu. Trong bất cứ lễ mặn hay lễ chay gì cũng có trầu rượu.
Ngày nay, làm lớn thì có tiệc cúng kiến, đơn giản thì thường bánh trái. Cúng lễ trọng thể nhất là vào ba ngày Tết và ngày giỗ. Ngày nay có nhiều nhà thêm ngày Vu lan, mùa báo hiếu.
8. Ý Nghĩa Các Đại Tự, Hoành Phi và Câu Đối
1. Vĩnh Miên Thế Trạch có ý nghĩa gì?
“Vĩnh Miên Thế Trạch” có nghĩa là Công đức sẽ kéo đài mãi từ đời này sang đời khác. Công đức là việc tốt mà tổ tiên và những người đi trước đã làm từ đời này sang đời khác, những việc làm tốt và thờ cúng thần thánh, tổ tiên.
2. Phúc Mãn Đường có ý nghĩa gì?
“Phúc Mãn Đường” còn được biết đến với ý nghĩa biểu trưng cho một gia đình hạnh phúc, hòa thuận, yêu thương lẫn nhau. Sự khăng khít, keo sơn và gắn bó, cùng nhau chia sẻ buồn vui của những thành viên trong gia đình.
3. Thiện Tối Lạc có ý nghĩa gì?
“Thiện Tối Lạc” được hiểu là làm điều thiện đem lại niềm vui nhất.
4. Phúc Lai Thành có ý nghĩa gì?
“Phúc Lai Thành” là mong muốn những điều may mắn, tốt lành sẽ đến với dòng họ, con cháu.
5. Mộc Bản Thủy Nguyên có ý nghĩa gì?
“Mộc Bản Nguyên Thủy” tức là cây có gốc, nước có nguồn. Nước chảy muôn dòng phát tại nguồn.
6. Vạn Cổ Anh Linh có ý nghĩa gì?
“Vạn Cổ Anh Linh” nghĩa là muôn thuở linh thiêng. Hoành phi mang câu này là tỏ ý tôn kính, tôn trọng đấng bề trên, lòng thành kính của con cháu đối với tổ tiên. Lời căn dặn của tổ tiên với con cháu được ghi nhớ muôn đời, thông điệp rộng rãi tới thế hệ sau này để đời đời nhớ ơn công đức to lớn của bậc cha ông.
7. Câu đối 1
Vạn cổ công thành danh hiển đạt
Thiên thu đức thịnh tính phồn vinh
(Muôn thuở công thành danh hiển đạt
Nghìn thu đức sáng họ phồn vinh)
8. Câu đối 2
Trường tồn sự nghiệp ơn tiên tổ
Vĩnh phúc cơ đồ nghĩa tử tôn
(Sự nghiệp trường tồn nhờ ơn tổ tiên
Cơ đồ bền lâu là nghĩa con cháu)
9. Câu đối 3
Bách thế bản chi thừa cựu ấm
Thiên thu hương hoả tráng tân cơ
(Phúc xưa dày lưu gốc cành muôn thủa
Nền nay vững để hương khói nghìn thu)
10. Câu đối 4
Sơn cao mạc trạng sinh thành đức
Hải khoát nan thù cúc dục ân
(Núi cao khó ví với đức sinh thành
Bể rộng khôn bì với ơn bồng bế nuôi nấng)
11. Câu đối 5
Dục cầu bảo an vu hậu duệ
Tu bằng cảm cách ư tiên linh
(Nhờ Tiên tổ anh linh phù hộ
Dìu cháu con tiến bộ trưởng thành)
12. Câu đối 6
Mộc xuất thiên chi do hữu bản
Thuỷ lưu vạn phái tố tòng nguyên
(Cây chung nghìn nhánh sinh từ gốc
Nước chảy muôn dòng phát tại nguồn)
13. Câu đối 7
Thiên thiêm tuế nguyệt nhân thiêm thọ
Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường
(Trời thêm năm tháng người thêm thọ
Xuân khắp đất trời phúc khắp nhà)
9. Cổng Tam Quan
Cổng tam quan là một hình ảnh quen thuộc tại các công trình như đình chùa, đền miếu, lăng mộ… Nhưng ý nghĩa kiến trúc Cổng Tam Quan trong văn hóa người Việt là gì, hình thái kiến trúc ra sao, chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét.
a. Kiến trúc của cổng Tam Quan
Tam quan có nghĩa là ba cửa. Cổng Tam Quan là cổng được thiết kế với ba lối đi. Đây là một dạng kiến trúc đặc trưng có kết cấu gồm ba cửa ra vào, trong đó lối đi chính lớn nhất ở giữa và hai lối đi phụ nhỏ hơn ở hai bên. Giữa các lối đi của cổng Tam Quan được chia cách bởi các cây cột hoặc vách ngăn. Vách cổng thường được xây bằng gạch, đá hoặc có thể được làm bằng gỗ. Hai vách phía trên lối đi hay bộ phận nối hai cột gọi là trán cửa. Trên trán cửa thường được ghi tên công trình như tên đình, chùa hoặc cũng có khi ghi tên riêng của cửa.
Thông thường có hai loại kiến trúc cổng Tam Quan với những đặc điểm riêng biệt, đó là: loại cổng có gác và loại cổng kiểu tứ trụ.
- Loại cổng có gác: Đặc điểm của loại cổng này là phía trên có gác, thường thiết kế cho các cổng tương đối nhỏ, kiến trúc có thể có một, hai hoặc ba tầng. Gác cổng được sử dụng để treo các loại chuông, khánh hoặc trống cỡ lớn nhằm phục vụ các nghi lễ trong đền, chùa.
- Loại cổng kiểu tứ trụ: Khác với loại có gác, cổng kiểu tứ trụ gồm có bốn cây cột, trong đó hai cây ở giữa cao hơn hai cây bên cạnh. Những cây cột này chia không gian thành ba lối đi, phía trên nối liền các trụ với nhau bằng các thanh xà chạm trổ tinh xảo dùng làm trán cổng. Một số công trình trán cổng được thiết kế thêm phần mái cong tạo nên nét đẹp riêng biệt, mang sắc thái của một dạng kiến trúc tâm linh truyền thống.
b. Ý nghĩa của cổng Tam Quan
Cổng Tam quan đại biểu cho nghệ thuật kiến trúc cổ truyền và mang sắc thái lịch sử của dân tộc Vệt Nam, nó hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa khác nhau, nhưng ý nghĩa phổ quát nhất thường được nhìn nhận đến trong Phật học và trong chế độ vua chúa xưa kia.
Ý nghĩa trong Phật học:
Trong kinh điển Phật Giáo, bất cứ một con số nào đều có ý nghĩa riêng của nó, thường gọi là pháp số. Đối với nhà chùa, ba lối đi của cổng Tam Quan biểu tượng cho Tam Giải Thoát Môn để vào cõi Niết bàn, đó là: Cửa Không, Cửa Vô Tướng, và Cửa Vô Nguyện, gọi chung là Tam môn. Do đó, hầu hết các cổng chùa đều xây 3 cửa, một số chùa cho dù chỉ xây một cửa người ta vẫn gọi là Cổng Tam Quan.
- Cửa Không (Không môn, Không Giải Thoát môn): Phải quan sát tất cả các pháp đều không có tự tính, do nhân duyên hòa hợp mà sinh ra, nếu thông đạt được như thế thì tự tại đối với các pháp.
- Cửa Vô tướng (Vô Tướng Môn, Vô Tưởng Môn): Đã hiểu biết được tất cả các pháp đều không, liên quan đến các tướng như nam nữ, nhất nhị… thì chắc chắn là không có thật tướng như vậy. Nếu thông đạt được các pháp đều vô tướng như thế thì xa lìa tướng sai biệt và được tự tại.
- Cửa Vô Nguyện (Vô Nguyện Môn, Vô Tác Môn, Vô Dục Môn): Cửa Không Mong Cầu, khi biết rõ tất cả các pháp đều vô tướng thì không mong cầu điều gì trong 3 cõi nữa, nếu không mong cầu thì không tạo tác các nghiệp sinh tử, nếu không có nghiệp sinh tử thì không có khổ quả báo và được tự tại.
Nói một cách khác, Cổng Tam Quan là ý niệm về Tam Giải Thoát Môn bao gồm các cửa Vô Tác, Vô Tướng và Vô Không để có thể bước vào cõi Niết Bàn. Chỉ khi con người hiểu được ý nghĩa của ba cửa này thì mới có thể thoát khỏi được những sân si, oán hận, đau khổ để tìm được sự bình yên, an lạc trong tâm hồn.
Cũng có một thuyết khác lý giải rằng, kiến trúc Cổng Tam Quan của nhà chùa là tượng trưng cho ba cách nhìn của Phật giáo bao gồm “Hữu quan”, “Không quan” và “Trung quan”. Trong đó, “Hữu quan” là thể hiện cái sắc (giả), “Không quan” là tượng trưng cho cái không (vô thường) và “Trung quan” là thể hiện sự trung dung của cả hai yếu tố sắc và không.
Ngoài ra, còn có một quan niệm khác nữa cho rằng Cổng Tam Quan mang ý nghĩa Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng.
Dựa vào thuật phong thủy, người ta chia ra, gọi cửa nhỏ bên trái là Thanh Long, cửa nhỏ bên phải là Bạch Hổ (theo hướng từ trong nhìn ra). Khách hành hương thường vào và ra chùa qua cửa bên tay phải mình, tức đi theo hướng “Nhập Thanh Long xuất Bạch Hổ”, mang hàm ý rước phước đức của chùa về nhà.
Ý nghĩa thời Quân chủ:
Xưa kia triều đình qui định cổng kinh thành được thiết kế 3 lối đi, theo đó lối giữa dành cho vua, bên tả dành cho văn quan, bên hữu dành cho võ quan. Về sau các cổng làng cũng đều được xây dựng theo kiến trúc Tam Quan với mục đích phòng khi đón vua về ngự. Rồi sau đền miếu lăng tẫm cũng theo đó mà làm. Vì vậy ngày nay ta thấy các công trình cổ như cổng làng, đình đền, lăng tẩm, miếu mạo… đều có cổng được xây theo kiến trúc Tam Quan.
Hình thái Tam Quan sau được mở rộng ra thành Ngũ Quan (năm cửa). Công trình tiêu biểu cho hình thái kiến trúc này là cửa Ngọ Môn ở Cố đô Huế.
Xưa nay còn lưu hành câu ca dao về cửa Ngọ Môn Cố đô Huế như sau:
Ngọ Môn năm cửa chín lầu
Một lầu vàng tám lầu xanh
Ba cửa thẳng hai cửa quanh…
Ở cổng Kinh thành Huế có 5 lối đi, theo đó cửa chính giữa gọi là Ngọ Môn (cửa hướng Ngọ, hướng chính Nam) dành cho vua; hai cửa kế liền gọi là Giáp Môn dành cho quan lại còn hai cửa quanh ngoài rìa gọi là Dịch Môn dành cho binh mã.
Còn chín lầu là chỉ lầu Ngũ Phụng gồm 2 tầng: tầng cao nhất nằm ở giữa lợp ngói hoàng lưu ly (nên gọi lầu vàng) hai bên có 8 mái khác thấp hơn (chia làm 4 gian) lợp ngói lưu ly xanh (nên gọi lầu xanh). Những con số trên đều mang ý nghĩa riêng nhất định, đặc trưng của triết lý Phương Đông: số 2 tượng trưng cho Âm – Dương, số 5 tượng trưng cho Ngũ hành, số 8 tượng trưng cho Bát quái và con số 9 tượng trưng cho Cửu trùng.
Theo thuyết này, người ta cho rằng kiến trúc chùa chiền cũng theo khuôn phép trên lập cửa Tam Quan để tiếp vua khi có dịp đến thăm viếng chùa, lễ Phật. Vì vậy Cổng Tam Quan của chùa ít khi mở cổng lớn trừ những dịp đón tiếp vua chúa hoặc tổ chức lễ lớn.
Câu đối ở cổng Tam Quan
Mặt trước:
Huyết mạch họ hàng dài thêm cùng đất nước
Tinh hoa bùi tộc truyền mãi với thời gian
Mặt sau:
Tổ tiên tích đức muôn đời thịnh
Con cháu tu thân phúc lộc trường
10. Cổng Ngũ Phúc Lâm Môn
Ngũ phúc lâm môn: Nghĩa là năm điều phúc cùng đến cửa, tượng trưng cho sự may mắn và những điều tốt lành sẽ đến.
Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa:
- Thiên thời: Thiên ở đây có nghĩa là trời, nhưng câu nói này chủ yếu tập trung vào chữ “thời”. “Thời” đơn giản chỉ là thời gian, vào lúc nào, khi nào, bao giờ. khi làm bất cứ điều gì cũng cần phải đặt ra câu hỏi có muộn không, có sớm quá không hay là đã đúng lúc chưa? Chỉ có thời điểm thích hợp mới đem lại hiệu quả tốt. Việc lựa chọn thời điểm để tham gia, thực hiện là do chính bản thân chúng ta chứ chẳng có ông Trời nào có thể nói cho ta biết được.
- Địa lợi: “Địa” là đất, “lợi” ở đây có nghĩa là lợi thế. Trước khi làm bất cứ việc gì, mỗi cá nhân đều phải tự đặt ra cho mình những câu hỏi: mình có lợi thế gì khi làm việc này hay không, còn tồn tại những khó khăn nào? Nếu bạn không có lợi thế, bạn rất khó để thành công.
- Nhân hòa: Nhân có nghĩa là người, “Hòa” ở đây chính là hòa hợp, sự đoàn kết giữa con người với con người. Một tập thể đoàn kết, hòa hợp chắc chắn sẽ đem đến thành công vượt trội hơn hẳn so với một tập thể rời rạc thiếu liên kết. Nhân hòa được xếp cuối nhưng không phải là yếu tố kém quan trọng. Nếu hai yếu tố trên nằm ngoài tầm kiểm soát của con người thì Nhân hòa lại là yếu tố nằm trong tầm kiểm soát.
11. Ý nghĩa của 4 linh vật trong Tứ linh
Tứ linh gồm Long – Lân – Quy – Phụng là bốn linh vật có sức mạnh phi thường tượng trưng cho trời đất, bắt nguồn từ tứ linh thần: Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ và Chu Tước. Chúng được người xưa tạo ra từ bốn phương trời, đại diện cho 4 nguyên tố chính của vũ trụ là nước, lửa, đất và gió. Theo dân gian thì mỗi vị thần trấn giữ 7 trong 28 chòm sao trong thiên văn cổ đại.
Hình tượng tứ linh được sử dụng và khắc họa khá phổ biển trong nghệ thuật kiến trúc Việt Nam từ kinh đô, đền chùa cho đến nhà dân như một hiện trạng sống động của 4 linh vật này trong tâm thức người Việt. Các vật phẩm khắc tứ linh đều có độ khó và độ tinh xảo cao do phải khắc họa tới 4 hình tượng trên một vùng không gian nhỏ. Mặt khác các linh vật này đều có những chi tiết đòi hỏi phải được khắc họa chính xác nên thời gian thực hiện khá lâu do đó nó giá trị cao.
a. LONG
Rồng trong truyền thuyết được coi là con vật của trời, có quyền năng tối cao hơn các loài vật khác. Sự xuất hiện của Rồng được quan niệm là mang lại điều tốt lành, may mắn, thuận lợi và bình an. Người xưa quan niệm rồng là sứ giả để con người có thể gửi gắm những ước nguyện của cuộc sống như cầu mưa thuận gió hòa, cầu phồn thực sinh sôi…
Rồng là con vật đứng đầu trong tứ linh, đại diện cho quẻ Chấn, mang lại dương khí, sự quật khởi, ý chí, công danh, tài lộc và quyền uy. Do đó trên trang phục của vua chúa và hoàng tộc thường có thêu hình rồng bằng vàng để thể hiện thiên mệnh con trời có quyền lực tối cao. Dân tộc Việt Nam ta đã có truyền thuyết về rồng từ rất sớm vì nó gắn liền với mây và mưa với tryền thống trồng lúa nước lâu đời, truyền thuyết “Con Rồng Cháu Tiên” và đặc biệt là in đậm vào tâm thức mọi người với cái tên Thăng Long, Vịnh Hạ Long, Sông Cửu Long… Không những là biểu tượng cho xuất xứ nòi giống dân tộc Việt Nam, rồng còn là thần linh, chủ của nguồn nước, mang lại sức sống mãnh liệt, làm cho mùa màng tốt tươi.
Rồng thực chất không phải là một con vật có thật mà là sản phẩm của trí tưởng tượng, óc nghệ thuật sáng tạo và niềm tin mãnh liệt. Hình tượng của rồng bao gồm sự kết hợp của các loài: thân rắn, đùi thằn lằn, móng vuốt của chim ưng, đuôi rắn, sừng hươu, vẩy cá. Không thể xác định chính xác tại sao lại có hình tượng con rồng được khắc họa hoàn chỉnh như vậy. Có một lý giải tương đối hợp lý là rồng được phát triển dựa trên hình tượng con Giao Long cổ.
Rồng không phải loài vật có thật nhưng hình tượng lại được miêu tả hết sức chi tiết. Đối với người Việt Nam, Rồng giữ vị trí rất quan trọng, nó đại diện cho ngành nông nghiệp lúa nước. Do đó, so với rồng Trung Quốc, hình tương rồng Việt nam có nhiều điểm khác biệt:
– Đầu rồng là nét khác biệt lớn nhất, có bờm dài, râu cằm, không sừng, mắt lồi to, hàm mở rộng có răng nanh ngắt lên, lưỡi mảnh rất dài. Đây là điểm hoàn toàn khác với các con rồng khác của các nước, đặc biệt là cái mào ở mũi, sun sóng đều đặn chứ không phải là cái mũi thú như rồng Trung Hoa.
– Miệng rồng ngậm hạt Minh châu, rồng ở các nước giữ ngọc bằng móng vuốt trước. Viên Châu tượng trưng cho tính nhân văn, trí thức và lòng cao thượng. Đầu Rồng luôn ngước lên thể hiện ý chí nhân văn cao.
– Thân Rồng uốn hình Sin gồm 12 khúc tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Sự uốn lượn mềm mại và nhấp nhô của rồng thể hiện khả năng biến đổi thời tiết, thiên nhiên và mùa màng.
b. LÂN
Lân là linh vật được biết đến thứ 2 sau Rồng. Dân gian cho rằng sự xuất hiện của Lân báo hiệu điểm lành, thái bình thịnh vượng sắp tới. Ngoài ra hình tượng Lân cũng được dùng để trấn giữ cửa nhà, hóa giải hung khí khi đối diện với cửa nhà khác, bị ngã ba, ngã tư, góc nhọn, đường vòng chiểu thẳng vào nhà.
Truyền thuyết cho rằng, Lân ban đầu là một loài quái thú từ dưới biển lên bở phá hoại mùa màng, vật chất không cho con người làm ăn. Đức Phật Di Lặc đã hóa thân thành Ông Địa thuần phục được thú dữ, biến Lân thành một con thú hiền lành thường xuyên giúp đỡ người tốt, đặc biệt là những người hiếu thảo, biết làm việc thiện. Vì vậy Lân còn được gọi là Nhân thú tức là con thú làm việc thiện. Sau này cứ vào mỗi mùa tết và trung thu Ông địa lại đưa Lân xuống múa mua vui và thăm hỏi mọi người. Ông Địa và con lân đi đến đâu là giáng phúc tới đó nên nhà nào cũng hoan hỉ treo rau xanh và giấy đỏ đón chào.
Lân là con cái, con đực gọi là Kỳ nên được gọi chung là kỳ lân. Lân có dung mạo kì dị và cũng là một sản phẩm từ trí tưởng tượng nghệ thuật của con người mà ra. Lân là con vật đầu nửa rồng nửa thú, thuộc loài nai, mình vằn, đuôi giống như đuôi trâu trên đầu thường có 1 sừng. Thân Kỳ Lân giống hươu nhưng có vảy khắp người, chỉ ăn cỏ và thần thái vô cùng sinh động. Vì là một loài thú lành tình chuyên giúp người tốt và đuổi cắn người xấu nên mỗi khi Kỳ Lân xuất hiện là báo hiệu của một thánh nhân sắp xuất hiện cứu giúp dân chúng.
Kỳ Lân là loài vật chuyên bảo vệ và canh giữ cửa ngôi nhà, miệng há to thu hút và trấn áp mọi loại hung khí vào nhà. Vì vậy, trong mỗi đình chùa ta thường thấy có tượng hai con kỳ lân đá canh cửa. Trong Phong Thuỷ, tượng kỳ lân thường dùng trấn giữ cửa nhà, hoá giải hung khí chiếu tới khi đối diện với của nhà khác, bị ngã ba, ngã tư, đường vòng, hoặc góc nhọn chiếu vào cửa nhà.
c. QUY
Rùa là con vật duy nhất có thật trong tự nhiên. Rùa là một loài bò sát lưỡng cư có tuổi thọ cao và khả năng sống trong một thời gian dài mà không cần tới thức ăn do đó được ví với phẩm chất thanh cao, thoát tục. Rùa từ lâu đã gắn liền với văn hóa người Việt thông qua câu chuyện thần Kim Quy giúp vua An Dương Vương xây và bảo vệ thành Cổ Loa.
Rùa tượng trưng cho sự trường tồn bất diệt, hình ảnh rùa đội bia đá ghi lại sử sách Việt Nam và 82 bia đá ghi tên tiến sĩ đỗ đạt tại Quốc Tử Giám được cho là một cách thể hiện sự tôn kính đối với công ơn của các vị anh hùng, truyền thống uống nước nhớ nguồn, thể hiện tinh thần văn hiến bất diệt của dân tộc ta. Rùa tuy không phải là linh vật trong Phật giáo nhưng sự trường tồn của rùa được gắn liền với sự trường tồn của Phật Giáo. Truyền thuyết kể rằng, An Dương Vương sau khi giết con gái Mị Châu vì tội thông đồng với giặc đã cưỡi lên lưng rùa và đi về phía biển, các nhà nghiên cứu cho rằng hình tượng này khá giống với vị thần Visou tối cao của đạo Bà La Môn.
Trong lĩnh vực tâm linh, Rùa được xem là hội tụ của trời đất – âm dương: bụng bằng tượng trưng cho mặt đất (âm), mai khum vòng tượng trưng cho vòm trời (dương). Trong dân gian Rùa có nhiều lúc được kết hợp với những con vật khác như rắn (Quy Xà hợp thể), hay rùa đầu rồng (Long Quy) có sự kết hợp của rùa và rồng nên rất linh thiêng.
d. PHỤNG
Phượng hoàng được bắt nguồn từ nền văn hóa của Trung Hoa, được ví là loài chim đẹp nhất trong các loài chim. Phượng hoàng tuy được phân thành Phượng (con trống) và Hoàng (con mái) nhưng về sau không còn sự phẩn biệt rạch ròi như vậy nữa mà các đặc điểm được kết hợp lại với nhau và gọi chung là Phượng Hoàng. Trong nền văn hóa của các nước phương đông, Phượng hoàng là một trong những linh vật tối cao được cho sánh ngang với Rồng. Phượng hoàng tượng trưng cho vẻ đẹp, sự cao quý, tình yêu thương của người mẹ và ẩn chứa một sức mạnh huyền bí. Do đó Phượng hoàng đại diện cho Hoàng Hậu hay các phi tần sánh bên Rồng đại diện cho Vua.
Phượng hoàng cũng là một linh vật trong truyền thuyết được hình tượng hóa trong đời sống tâm linh. Phượng được miêu tả có mỏ diều hâu, tóc trĩ, vảy cá chép, móng chim ưng và đuôi công. Với ý nghĩa đầu đội công lý, mắt là mặt trời, mặt trǎng, lưng cõng bầu trời, lông là cây cỏ, cánh là gió, đuôi là tinh tú, chân là đất, Phượng tượng trưng cho cả vũ trụ. Hình tượng Phượng hoàng có ý nghĩa tích cực, nó biểu thị cho đức hạnh, vẻ duyên dáng và thanh nhã. Dựa theo truyển thuyết Phượng hoàng xuất hiện trong thời kỳ hòa bình thịnh vượng, người ta thường trưng bày hình tượng Phượng hoàng để thể hiện quyền lực, sức mạnh và cầu thịnh vượng.
Rồng mang yếu tố dương và tượng trưng cho vua chúa, Phượng hoàng mang yếu tố âm tượng trưng cho hoàng hậu. Rồng – Phượng quấn quýt lấy nhau thể hiện âm dương hòa hợp, do đó hình tượng rồng phượng được người xưa cho là đại diện của hạnh phúc giữa chồng và vợ. Trong các đám cưới người ta thường trang trí hình ảnh Rồng Phượng để cầu chúc hạnh phúc.
12. Giải Nghĩa Các Từ Hán Việt Từ Đời Thứ Nhất Tới Đời Thứ 9
A. Nguyên tắc phụng lập Linh Vị trên bàn thờ tổ tiên trong Nhà Thờ Tổ Họ Bùi Duy
PHẦN CHÚ THÍCH – GIẢI NGHĨA
(1) Thế hệ của cụ ông/cụ bà trong dòng tộc:
- Đệ Nhất Thủy Tổ……………………………. Đời đầu tiên lập ra dòng tộc
- Đệ Nhị Đại Tổ……………………………….. Đời thứ hai
- Đệ Tam Đại Tổ………………………………. Đời thứ ba
- Đệ Tứ Đại Tổ…………………………………. Đời thứ tư
- Đệ Ngũ Đại Tổ……………………………….. Đời thứ năm
- Đệ Lục Đại Tổ……………………………….. Đời thứ sáu
- Đệ Thất Đại Tổ………………………………. Đời thứ bảy
- Đệ Bát Đại Tổ………………………………… Đời thứ tám
- Đệ Cửu Đại Tổ……………………………….. Đời thứ chín
- Đệ Thập Đại Tổ……………………………… Đời thứ mười
- Đệ Thập Nhất Đại Tổ……………………… Đời thứ mười một
- Đệ Thập Nhị Đại Tổ……………………….. Đời thứ mười hai
(2) Ngôi thứ của cụ ông/cụ bà trong gia đình:
Nếu là con của Chính Thất Phu Nhân (Con của người vợ cả):
- Trưởng Nam / Trưởng Nữ…………………….. Con trai cả / Con gái cả
- Kế Trưởng Nam / Kế Trưởng Nữ…………… Con trai thứ hai / Con gái thứ hai
- Tam Nam / Tam Nữ…………………………….. Con trai thứ ba / Con gái thứ ba
- Tứ Nam / Tứ Nữ………………………………….. Con trai thứ tư / Con gái thứ tư
- Ngũ Nam / Ngũ Nữ……………………………… Con trai thứ năm / Con gái thứ năm
- Lục Nam / Lục Nữ……………………………….. Con trai thứ sáu / Con gái thứ sáu
- Thất Nam / Thất Nữ…………………………….. Con trai thứ bảy / Con gái thứ bảy
- Bát Nam / Bát Nữ………………………………… Con trai thứ tám / Con gái thứ tám
- Cửu Nam / Cửu Nữ……………………………… Con trai thứ chín / Con gái thứ chín
- Thập Nam / Thập Nữ……………………………. Con trai thứ mười / Con gái thứ mười
- Quý Nam / Quý Nữ……………………………… Con trai út / Con gái út (Quý: Cuối)
Nếu là con của Kế / Trắc Thất Phu Nhân (Con của người vợ hai / ba):
- Trưởng Thứ Nam / Trưởng Thứ Nữ……….. Con trai cả / Con gái cả, của vợ hai / ba
- Thứ Thứ Nam / Thứ Thứ Nữ…………………. Con trai thứ hai / Con gái thứ hai, của vợ hai / ba
- Tam Thứ Nam / Tam Thứ Nữ……………….. Con trai thứ ba / Con gái thứ ba, của vợ hai / ba
- Tứ Thứ Nam / Tứ Thứ Nữ…………………….. Con trai thứ tư / Con gái thứ tư, của vợ hai / ba
- Ngũ Thứ Nam / Ngũ Thứ Nữ………………… Con trai thứ năm / Con gái thứ năm, của vợ hai / ba
- Lục Thứ Nam / Lục Thứ Nữ…………………. Con trai thứ sáu / Con gái thứ sáu, của vợ hai / ba
- Thất Thứ Nam / Thất Thứ Nữ……………….. Con trai thứ bảy / Con gái thứ bảy, của vợ hai / ba
- Bát Thứ Nam / Bát Thứ Nữ…………………… Con trai thứ tám / Con gái thứ tám, của vợ hai / ba
- Cửu Thứ Nam / Cửu Thứ Nữ………………… Con trai thứ chín / Con gái thứ chín, của vợ hai / ba
- Thập Thứ Nam / Thập Thứ Nữ……………… Con trai thứ mười / Con gái thứ mười, của vợ hai / ba
- Quý Thứ Nam / Quý Thứ Nữ………………… Con trai út / Con gái út (Quý: Cuối), của vợ hai / ba
(3) Chữ lót húy: Chữ lót giữa tên Họ và tên Húy. Có nhiều cách sử dụng chữ lót, một chữ, hai chữ hay ba chữ:
Tùy từng trường hợp mà chọn chữ lót để phù hợp quy tắc về tổng số chữ trên linh vị. Theo cách đọc: Quỷ – Khốc – Linh – Thính. Đối với Nam, tổng số chữ phải chia hết cho 4 và dư 3, tương ứng chữ Linh. Đối với Nữ, tổng số chữ phải chia hết cho 4, tương ứng với chữ Thính. Theo quan niệm xưa, quan trọng hơn cả phần nội dung đó chính là tổng số chữ trên linh vị phải được tính đúng chính xác.
(4) Tên Húy: Để tránh phạm Húy của người đời trước, các đời sau nếu tên đặt lúc sinh bị trùng với đời trước, cần ghi bằng tên Húy thay thế trên linh vị.
Ví dụ: Đời thứ hai có cụ Trần Thị Hành, thì các cụ đời sau trùng tên “Hành” phải ghi trên linh vị bằng tên Húy như:
Đời thứ ba: cụ Hoàng Thị Hành húy Từ Yến, linh vị ghi “Hoàng Công Húy Từ Yến”
Đời thứ tư: cụ Bùi Thị Hành húy Từ Hiến, linh vị ghi “Bùi Công Húy Từ Hiến”
Đời thứ năm: cụ Hoàng Thị Hành, chưa có thông tin về tên Húy nên linh vị tạm ghi “Hoàng Công Húy Thị Hành”. Sau này nếu tìm được thông tin tên Húy của cụ, con cháu cần làm lại linh vị để tránh việc phạm Húy.
Đời thứ năm: cụ Trần Thị Hành húy Như, linh vị ghi “Trần Quý Công Húy Thị Như”
Đời thứ năm: cụ Lương Thị Hành húy Tơn, linh vị ghi “Lương Công Húy Thị Tơn”
Đời thứ sáu: cụ Nguyễn Thị Hành húy Duyệt, linh vị ghi “Nguyễn Công Húy Thị Duyệt”
(5) Tự + Tên Tự: Nếu có thì phải ghi trên linh vị, tên tự là tên được đặt khi đi học.
(6) Thụy + Tên Thụy: Nếu có thì phải ghi trên linh vị, tên thụy là tên được đặt khi đã qua đời.
(7) Phần kết thúc tên Linh Vị: Kết hợp với phần mở đầu “Cung Thỉnh”, mang ý nghĩa là “kính mời” vong linh của cụ được nhắc đến nhập về “ngự trên linh vị”. Có nhiều cách sử dụng: một chữ, hai chữ hay ba chữ như sau:
- Thần Chủ (Dùng riêng cho Đệ Nhất Thủy Tổ)
- Chi Vị Tiền
- Tọa Vị
- Chi Linh Vị
Tùy từng trường hợp mà chọn chữ phần kết thúc để phù hợp quy tắc về tổng số chữ trên linh vị. Theo cách đọc: Quỷ – Khốc – Linh – Thính. Đối với Nam, tổng số chữ phải chia hết cho 4 và dư 3, tương ứng chữ Linh. Đối với Nữ, tổng số chữ phải chia hết cho 4, tương ứng với chữ Thính. Theo quan niệm xưa, quan trọng hơn cả phần nội dung đó chính là tổng số chữ trên linh vị phải được tính đúng chính xác.
(8) Ngày giỗ: Ghi ngày âm lịch, nếu có thông tin ngày giỗ thì mới ghi, ghi trong dấu ngoặc đơn ( ), phần này là “chữ số” thể hiện để dễ xem đối với ai không đọc được tiếng Hán Việt nên không đếm vào số lượng “chữ viết” trên linh vị.
(9) Năm sinh: Ghi năm sinh bằng tên âm lịch (với 10 can và 12 chi). Theo công thức như bảng sau:
Ví dụ:
- Sinh năm dương lịch 1950, linh vị ghi là “Canh Dần”
- Sinh năm dương lịch 1961, linh vị ghi là “Tân Sửu”
(10) Số tuổi lúc qua đời: Viết theo nguyên tắc số đếm tiếng Hán
- Nhất
- Nhị
- Tam
- Tứ
- Ngũ
- Lục
- Thất
- Bát
- Cửu
- Thập
- Thập Nhất
- Thập Nhị
- Thập Tam
- Thập Tứ
- Thập Ngũ
- Thập Lục
- Thập Thất
- Thập Bát
- Thập Cửu
- Nhị Thập
- Nhị Thập Nhất
- Nhị Thập Nhị
- Nhị Thập Tam
- Nhị Thập Tứ
- Nhị Thập Ngũ
- Nhị Thập Lục
- Nhị Thập Thất
- Nhị Thập Bát
- Nhị Thập Cửu
- Tam Thập
- Tam Thập Nhất
- Tam Thập Nhị
- Tam Thập Tam
- Tam Thập Tứ
- Tam Thập Ngũ
- Tam Thập Lục
- Tam Thập Thất
- Tam Thập Bát
- Tam Thập Cửu
- Tứ Thập
- Tứ Thập Thất
- Tứ Thập Nhị
- Tứ Thập Tam
- Tứ Thập Tứ
- Tứ Thập Ngũ
- Tứ Thập Lục
- Tứ Thập Thất
- Tứ Thập Bát
- Tứ Thập Cửu
- Ngũ Thập
- Ngũ Thập Nhất
- Ngũ Thập Nhị
- Ngũ Thập Tam
- Ngũ Thập Tứ
- Ngũ Thập Ngũ
- Ngũ Thập Lục
- Ngũ Thập Thất
- Ngũ Thập Bát
- Ngũ Thập Cửu
- Lục Thập
- Lục Thập Nhất
- Lục Thập Nhị
- Lục Thập Tam
- Lục Thập Tứ
- Lục Thập Ngũ
- Lục Thập Lục
- Lục Thập Thất
- Lục Thập Bát
- Lục Thập Cửu
- Thất Thập
- Thất Thập Nhất
- Thất Thập Nhị
- Thất Thập Tam
- Thất Thập Tứ
- Thất Thập Ngũ
- Thất Thập Lục
- Thất Thập Thất
- Thất Thập Bát
- Thất Thập Cửu
- Bát Thập
- Bát Thập Nhất
- Bát Thập Nhị
- Bát Thập Tam
- Bát Thập Tứ
- Bát Thập Ngũ
- Bát Thập Lục
- Bát Thập Thất
- Bát Thập Bát
- Bát Thập Cửu
- Cửu Thập
- Cửu Thập Nhất
- Cửu Thập Nhị
- Cửu Thập Tam
- Cửu Thập Tứ
- Cửu Thập Ngũ
- Cửu Thập Lục
- Cửu Thập Thất
- Cửu Thập Bát
- Cửu Thập Cửu
- Nhất Bách
(11) Năm mất: Ghi năm qua đời bằng tên âm lịch (với 10 can và 12 chi). Theo công thức như bảng sau:
Ví dụ:
- Mất năm dương lịch 1976, linh vị ghi là “Bính Thìn”
- Mất năm dương lịch 1967, linh vị ghi là “Đinh Mùi”
(12) Tháng mất – Tháng giỗ: Ghi tháng âm lịch tiếng Hán
- Tháng 1 – Chính Nguyệt
- Tháng 2 – Nhị Nguyệt
- Tháng 3 – Tam Nguyệt
- Tháng 4 – Tứ Nguyệt
- Tháng 5 – Ngũ Nguyệt
- Tháng 6 – Lục Nguyệt
- Tháng 7 – Thất Nguyệt
- Tháng 8 – Bát Nguyệt
- Tháng 9 – Cửu Nguyệt
- Tháng 10 – Thập Nguyệt
- Tháng 11 – Thập Nhất Nguyệt
- Tháng 12 – Thập Nhị Nguyệt
(13) Ngày mất – Ngày giỗ: Ghi ngày âm lịch tiếng Hán
- Mồng 1 – Chính Nhật
- Mồng 2 – Sơ Nhị Nhật
- Mồng 3 – Sơ Tam Nhật
- Mồng 4 – Sơ Tứ Nhật
- Mồng 5 – Sơ Ngũ Nhật
- Mồng 6 – Sơ Lục Nhật
- Mồng 7 – Sơ Thất Nhật
- Mồng 8 – Sơ Bát Nhật
- Mồng 9 – Sơ Cửu Nhật
- Ngày 10 – Thập Nhật
- Ngày 11 – Thập Nhất Nhật
- Ngày 12 – Thập Nhị Nhật
- Ngày 13 – Thập Tam Nhật
- Ngày 14 – Thập Tứ Nhật
- Ngày 15 – Thập Ngũ Nhật
- Ngày 16 – Thập Lục Nhật
- Ngày 17 – Thập Thất Nhật
- Ngày 18 – Thập Bát Nhật
- Ngày 19 – Thập Cửu Nhật
- Ngày 20 – Nhị Thập Nhật
- Ngày 21 – Nhị Thập Nhất Nhật
- Ngày 22 – Nhị Thập Nhị Nhật
- Ngày 23 – Nhị Thập Tam Nhật
- Ngày 24 – Nhị Thập Tứ Nhật
- Ngày 25 – Nhị Thập Ngũ Nhật
- Ngày 26 – Nhị Thập Lục Nhật
- Ngày 27 – Nhị Thập Thất Nhật
- Ngày 28 – Nhị Thập Bát Nhật
- Ngày 29 – Nhị Thập Cửu Nhật
- Ngày 30 – Tam Thập Nhật
(14) Ngôi thứ của người vợ:
- Vợ cả – Chính Thất
- Vợ thứ hai – Kế Thất
- Vợ thứ ba – Trắc Thất
(15) Họ của người vợ: Ghi họ của người vợ để tổ tiên nhận biết chính xác linh vị của mình và đời sau biết rõ họ tên các cụ tổ tiên.
Phần giải nghĩa cho các Linh Vị cụ thể trong Nhà Thờ Họ (nằm ở phần C) chính là ví dụ trực quan nhất để các con cháu đời sau tham khảo và tiếp tục lập Bài Vị, Linh Vị cho người đã mất trong dòng họ Bùi Duy thống nhất cùng một nguyên tắc, phân biệt rõ ràng, không bị nhẫm lẫn.
B. Nguyên tắc sắp xếp Long Vị và các Linh Vị trong Nhà Thờ Tổ Họ Bùi Duy:
BỐ CỤC CÁC GIAN THỜ TRONG NHÀ TIỀN ĐƯỜNG VÀ NHÀ TỪ ĐƯỜNG
GÓC NHÌN CẬN CẢNH BỐ TRÍ LINH VỊ Ở CÁC GIAN THỜ VỚI SỐ THỨ TỰ KÝ HIỆU
Lưu ý: rê chuột hoặc chạm vào bài vị để xem chi tiết
Gian Thờ Hậu Cung
Phụng thờ Long Vị Thủy Tổ đời thứ nhất và Linh Vị các bậc tiên tổ từ đời thứ 2 đến đời thứ 5
Gian Thờ Trung Điện
Phụng thờ Linh Vị các bậc cao tổ từ đời thứ 6 đến đời thứ 9
Gian Thờ Ông Mãnh Tổ
(Phía Tả điện, từ hậu cung nhìn ra cửa)
Phụng thờ Linh Vị các vị nam giới chưa lập gia đình mà mất sớm (thường là trên 13 tuổi)
hoặc sống độc thân đến lúc mất ở độ tuổi trung niên – cao niên.
Gian Thờ Bà Cô Tổ
(Phía Hữu điện, từ hậu cung nhìn ra cửa)
Phụng thờ Linh Vị các vị nữ giới chưa lập gia đình mà mất sớm.
13. Cách Xưng Hô Với Người Quá Cố
- Ông sơ, bà sơ: Cao tổ phụ, cao tổ mẫu.
- Chít: Huyền tôn.
- Ông cố, bà cố: Tằng tỉ phụ, tằng tỉ mẫu.
- Chắt: Tằng tôn.
- Ông nội, bà nội: Nội tổ phụ, nội tổ mẫu.
- Cháu nội: Nội tôn.
- Ông nội, bà nội chết rồi thì xưng: Nội tổ khảo, nội tổ tỷ.
- Cháu xưng là: Nội tôn.
- Cháu nối dòng xưng là: Đích tôn: (cháu nội).
- Ông ngoại, bà ngoại: Ngoại tổ phụ, ngoại tổ mẫu: (cũng gọi là ngoại công, ngoại bà).
- Ông ngoại, bà ngoại chết rồi thì xưng: Ngoại tổ khảo, ngoại tổ tỷ.
- Cháu ngoại: Ngoại tôn.
- Ông nội vợ, bà nội vợ: Nhạc tổ phụ, nhạc tổ mẫu.
- Ông nội vợ, bà nội vợ chết rồi thì xưng: Nhạc tổ khảo, nhạc tổ tỷ.
- Cháu nội rể: Tôn nữ tế.
- Cha mẹ chết rồi thì xưng: Hiển khảo, hiển tỷ.
- Cha chết rồi thì con tự xưng là: Cô tử (con trai), cô nữ (con gái).
- Mẹ chết rồi thì con tự xưng là: Ai tử (con trai), ai nữ (con gái).
- Cha mẹ đều chết hết thì con tự xưng là: Cô ai tử, cô ai nữ.
- Cha ruột: Thân phụ.
- Cha ghẻ: Kế phụ.
- Cha nuôi: Dưỡng phụ.
- Cha đỡ đầu: Nghĩa phụ.
- Con trai lớn: Trưởng tử, trưởng nam.
- Con gái lớn: Trưởng nữ.
- Con kế: Thứ nam, thứ nữ.
- Con út: Trai: Quý nam, vãn nam. Gái: Quý nữ, vãn nữ.
- Mẹ ruột: Sinh mẫu, từ mẫu.
- Mẹ ghẻ: Kế mẫu: Con của bà vợ nhỏ gọi vợ lớn của cha là Đích mẫu.
- Mẹ nuôi: Dưỡng mẫu.
- Mẹ có chồng khác: Giá mẫu.
- Má nhỏ, tức vợ bé của cha: Thứ mẫu.
- Mẹ bị cha từ bỏ: Xuất mẫu.
- Bà vú: Nhũ mẫu.
- Chú, bác vợ: Thúc nhạc, bá nhạc.
- Cháu rể: Điệt nữ tế.
- Chú, bác ruột: Thúc phụ, bá phụ.
- Vợ của chú : Thiếm, Thẩm.
- Cháu của chú và bác, tự xưng là nội điệt.
- Cha chồng: Chương phụ.
- Dâu lớn: Trưởng tức.
- Dâu thứ: Thứ tức.
- Dâu út: Quý tức.
- Cha vợ (sống): Nhạc phụ, (chết): Ngoại khảo.
- Mẹ vợ (sống): Nhạc mẫu, (chết): Ngoại tỷ.
- Rể: Tế.
- Chị, em gái của cha, ta gọi bằng cô: Thân cô.
- Ta tự xưng là: Nội điệt.
- Chồng của cô: Dượng: Cô trượng, tôn trượng.
- Chồng của dì: Dượng: Di trượng, biểu trượng.
- Cậu, mợ: Cựu phụ, cựu mẫu. Mợ còn gọi là: Câm.
- Còn ta tự xưng là: Sanh tôn.
- Cậu vợ: Cựu nhạc.
- Cháu rể: Sanh tế.
- Vợ: Chuyết kinh, vợ chết rồi: Tẩn.
- Ta tự xưng: Lương phu, Kiểu châm.
- Vợ bé: Thứ thê, trắc thất.
- Vợ lớn: Chánh thất.
- Vợ sau (vợ chết rồi cưới vợ khác): Kế thất.
- Anh ruột: Bào huynh.
- Em trai: Bào đệ, cũng gọi: Xá đệ.
- Em gái: Bào muội, cũng gọi: Xá muội
- Chị ruột: Bào tỷ.
- Anh rể: Tỷ trượng.
- Em rể: Muội trượng.
- Anh rể: Tỷ phu.
- Em rể: Muội trượng, còn gọi: Khâm đệ.
- Chị dâu: Tợ phụ, Tẩu, hoặc tẩu tử.
- Em dâu: Đệ phụ, Đệ tức.
- Chị chồng: Đại cô.
- Em chồng: Tiểu cô.
- Anh chồng: Phu huynh: Đại bá.
- Em chồng: Phu đệ, Tiểu thúc.
- Chị vợ: Đại di.
- Em vợ (gái): Tiểu di tử, Thê muội.
- Anh vợ: Thê huynh: Đại cựu: Ngoại huynh.
- Em vợ (trai): Thê đệ, Tiểu cựu tử.
- Con gái đã có chồng: Giá nữ.
- Con gái chưa có chồng: Sương nữ.
- Cha ghẻ, con tự xưng: Chấp tử.
- Tớ trai: Nghĩa bộc.
- Tớ gái: Nghĩa nô.
- Cha chết trước, sau ông nội chết, tôn con của trưởng tử đứng để tang, gọi là: Đích tôn thừa trọng.
- Cha, mẹ chết chưa chôn: Cố phụ, cố mẫu.
- Cha, mẹ chết đã chôn: Hiền khảo, hiển tỷ.
- Mới chết: Tử.
- Đã chôn: Vong.
- Anh em chú bác ruột với cha mình: Đường bá, đường thúc, đường cô, mình tự xưng là: Đường tôn.
- Anh em bạn với cha mình: Niên bá, quý thúc, lịnh cô. Mình là cháu, tự xưng là: Thiểm điệt, lịnh điệt.
- Chú, bác của cha mình, mình kêu: Tổ bá, tổ túc, tổ cô.
- Mình là cháu thì tự xưng là: Vân tôn.