I- LỜI NÓI ĐẦU
Dòng Họ là một tổ chức huyết thống mang dòng máu trực hệ ràng buộc chặt chẽ với nhau từ đời này qua đời khác, một cách tôn thống trên dưới giữa máu thịt và tình cảm.
Họ BÙI DUY tộc là một dòng Họ đang phát triển, nguyên thủy là dòng dõi họ Nhà Mạc, Cụ Thủy Tổ là cháu đời thứ chín (09) của Thái Tử Mạc Đăng Uyên. Có bề dày về gia lễ từ bao đời để lại. Đó là cả một quá trình kế thừa và phát huy truyền thống của Tổ tiên mà các đời con cháu đã và đang làm. Để tiếp tục gìn giữ gia phong, gia lễ trong dòng Họ một cách thống nhất có tổ chức chặt chẽ, tránh được những thiếu sót nhất định. Do vậy, Họ có quy ước cụ thể để gìn giữ phát huy công đức của Tổ tiên, làm tăng thêm thanh danh cho dòng Họ, gắn liền với sự phát triển của xã hội. Đây cũng là những phép lễ nghĩa để lại cho các thế hệ mai sau gìn giữ.
II- ĐINH HỌ, DÂU HỌ, CÔ HỌ. QUYỀN LỢI & NGHĨA VỤ
1. Đinh Họ:
Là con trai trong dòng Họ khi trưởng thành đến 18 tuổi, được cha mẹ hoặc bản thân xin vào Họ. Đây vừa là quyền lời vừa là nghĩa vụ phải vào Họ. Còn nếu các gia đình nào con chưa đến tuổi trưởng thành nhưng muốn vào Họ sớm cho con thì dòng Họ hoan nghênh và chấp thuận.
Khi vào Họ, đinh Họ báo cho Trưởng chi hoặc Tộc Trưởng cùng Ban thường trực của dòng Họ nhất trí và trình trước Họ được công nhận thì mới gọi là Đinh Họ. Khi vào Họ, đinh Họ chuẩn bị phù tửu và đóng vào quỹ họ một mức phí: 500.000đ (năm trăm ngàn đồng). Nhân dịp lễ Tổ, khai xuân hàng năm thì sẽ làm lễ công nhận và công bố danh sách đinh Họ.
a. Quyền lợi:
Được mang tên họ BÙI DUY đứng trước tên mình cho cả vợ và các con trong gia đình
Được thờ cúng và bảo vệ Tổ tiên
Được bình đẳng trong việc tham gia đóng góp ý kiến, bàn bạc, ứng cử và đề cử vào các công việc xây dựng tổ đường hoặc ban thường trực của Họ. Được đóng góp tiền của, ngày công vào mọi công việc của dòng Họ.
Khi hoạn nạn, đau yếu thì được Họ đến thăm hỏi, động viên. Khi qua đời được Họ tổ chức phát tang, thăm viếng và đưa đến nơi yên nghỉ cuối cùng.
b. Nghĩa vụ:
Phải chấp hành nghiêm quy ước của dòng Họ;
Có trách nhiệm đóng góp ngày công hoặc tiền của mỗi khi họ kiến thiết xây dựng hoặc tu tạo mà bổ đến đinh, chấp hành sự phân công của Hội Đồng Gia Tộc. Có trách nhiệm bảo vệ gia phong, đoàn kết và luôn có tính xây dựng. Không được gây bè phái làm mất sự đoàn kết hoặc gây cản trở các công việc của Họ.
Có trách nhiệm dạy bảo con cháu tu dưỡng đạo đức học tập tiến bộ mọi mặt. Nghĩa vụ các thế hệ là nối dõi phụng thờ Tổ tiên xứng đáng với truyền thống của dòng Họ.
2. Dâu họ (thím/mợ Họ):
Thực chất là vợ của đinh Họ, do đó mọi quyền lợi và nghĩa vụ cũng như đinh Họ.
Người nào chồng chết sớm được hưởng quyền thừa kế của chồng mọi thứ như khi chồng còn sống. Trường hợp không đủ khả năng gánh vác trách nhiệm thừa kế, có đơn báo cáo với Hội đồng gia tộc, nếu được họ nhất trí thì được giảm một phần đóng góp.
3. Cô họ:
Là những con gái trong dòng Họ sinh ra. Khi đi xây dựng gia đình nếu muốn chuyển đổi “nữ quy nam” thì phải được sự đồng ý của chồng (chú rể) thì mới được vào vọng họ, thủ tục cũng như đinh Họ. Nhưng với điều kiện bố mẹ đẻ của cô không có đinh mà giao cho cô là con gái cả vọng họ để ăn gánh trong Họ thì mới được nữ quy nam.
Bà cô Họ được quyền về dự lễ Tổ hoặc tham gia đóng góp hay tiến cúng vào Tổ đường, được tham gia bảo vệ uy tín gia phả, gia phong truyền thống của dòng Họ.
Khi đau yếu hoặc qua đời Họ căn cứ vào sự đóng góp hiếu thảo của cô và chồng cô để đãi ngộ theo quy ước của họ.
4. Phần lưu ý:
- Là người trong dòng Họ, nam nữ không được kết hôn với nhau;
- Con trai họ không được kết hôn với dâu họ khi chồng người đó qua đời;
- Con các vấn đề khác theo Luật hôn nhân & Gia đình do Pháp luật Việt Nam quy định.
III. VÀO HỌ, RA HỌ VÀ VIỆC MIỄN HOÃN
1. Vào Họ:
Tất cả các con trai, con gái (kể cả con đẻ và con nuôi hợp pháp) tự nguyện đóng góp và thực hiện nghĩa vụ của Họ theo quy định tại mục II. Hàng năm, báo cáo với Tộc Trưởng hoặc trưởng chi trước ngày lễ Tổ… để được Họ công nhận chính thức trong lễ khai xuân.
Các trường hợp đồng tông biệt phái muốn vào họ cũng lễ như đinh Họ, được họ chấp nhận. Xưng hô vai vế theo mức tuổi tương đương của đinh nhưng phải là em.
2. Ra Họ:
Là những người không thực hiện quy ước của dòng Họ. Từ chối sự đóng góp không có lý do chính đáng.
Những người con trai, con gái, con dâu mà chửi bới xúc phạm Tổ tiên, bất hiếu với cha mẹ, ông bà, đánh chửi nhau, nói năng thô bỉ, mượn rượu xúc phạm nhau gây mất đoàn kết trong dòng Họ làm ảnh hưởng đến uy tín dòng Họ. Tùy theo mức độ nặng nhẹ nhưng đều phải xử lý như: Cảnh cáo trước dòng Họ, phạt lễ tạ Tổ hoặc mời ra khỏi dòng Họ.
3. Miễn hoãn:
Các bậc cao niên không tính theo hàng thứ, từ 80 tuổi trở lên được miễn hoãn các khoản đóng góp xây dựng (nếu vẫn tự nguyện đóng góp thì dòng Họ hoan nghênh và chấp thuận). Các lễ cúng Tổ họ vẫn mời về dự và biếu lộc cho đến khi qua đời.
Các trường hợp thật sự khó khăn, túng bấn hoặc ốm đau kéo dài không có khả năng đóng góp, gia đình đề nghị Họ xem xét có thể được miễn giảm đóng góp. Khi có điều kiện lại tiếp tục đóng góp như cũ, các quyền lợi vẫn giữ nguyên.
IV. VIỆC THĂM HỎI, PHÚNG VIẾNG
1. Mừng thọ:
Hàng năm cứ vào lệ khai xuân, dòng Họ sẽ mừng thọ cho các bậc cao niên bước sang tuổi 70, lễ mừng gồm có:
Thư mừng thọ, khăn đỏ và lộc Tổ trị giá 200.000đ. Sau đó cứ đến tuổi 80, 90, 100 trở lên dòng Họ sẽ chúc lại gồm thư mừng thọ + lộc Tổ trị giá 300.000đ. Bước sang tuổi 90 dòng Họ sẽ mừng bộ quần áo đỏ, tiến hành vào dịp lễ khai xuân tại nhà thờ tổ do hội đồng gia tộc tổ chức ngày 2 tháng giêng hàng năm.
2. Thăm hỏi:
Người trong dòng Họ (đinh Họ, dâu họ, nữ quy nam, bà cô) có công hoặc đóng góp tiền của lớn vào Tổ đường (bao gồm nhà thờ Họ và nghĩa trang dòng họ), khi bị ốm nặng đi bệnh viện về hay bị tai nạn rủi ro đột xuất. Ban thường trực tổ chức đến thăm hỏi động viên và biếu quà vật chất bằng tiền trị giá 1.000.000 VND, mức độ 01 lần/năm cho mỗi người. Các lần sau chủ yếu thăm hỏi bằng tinh thần.
3. Phúng viếng, các đối tượng:
Đinh Họ, dâu họ: Khi qua đời dòng Họ tổ chức lễ phát tang, lễ viếng của dòng Họ, lễ tiễn biệt (vật chất lễ phát tang, lễ tiễn biệt gia đình lo). Lễ viếng của dòng Họ gồm: Chiêng trống, biển tang, hương nến, tửu quả..tiền khiêng chiêng trống quỹ họ đảm nhận (người khiêng chiêng trống gia đình thuộc chi nào thì chi đó cử người khiêng). Những trường hợp ở xa, dòng Họ cử đoàn đại biểu thay mặt cho dòng Họ tộc để tổ chức lễ phúng viếng, mọi chi phí do quỹ dòng Họ đảm nhận.
Cô họ là nữ quy nam: Cũng như đinh Họ (nhưng không có phần tổ chức lễ phát tang) nếu như chồng họ vẫn còn đảm nhận.
Cô họ khi qua đời: Có lễ thỉnh Họ và 500.000đ, Ban thường trực dòng Họ tổ chức cùng với chi lễ viếng gồm: Hương nến và lễ đen.
Chồng bà cô và bố mẹ chồng bà cô khi qua đời: Có lễ và 200.000đ báo về dòng Họ chi. Ban thường trực dòng Họ chi có trách nhiệm tổ chức lễ viếng. Lễ viếng gồm: Hương nến, tửu quả và lễ đen.
Cô không xuất giá khi chết: Dòng Họ tổ chức phát tang, phúng viếng và tiễn biệt như đinh Họ.
Cô nào chưa thành niên không may qua đời theo lời thỉnh của cha mẹ thì dòng Họ tổ chức phát tang nhưng không tổ chức lễ viếng. Nam giới chưa vào họ cũng như người ăn theo bố mẹ (bà cô chưa thành niên).
Việc đi phúng viếng và đi đưa tiễn biệt là trách nhiệm của mỗi thành viên trong dòng Họ trên tinh thần tự giác, tình cảm và máu thịt chung dòng Họ. Xưa các cụ có câu: “Nay người, mai ta, nghĩa tử là nghĩa tận”.
4. Vào phú úy:
Sau khi cải táng, con cháu có lễ cáo Tổ và báo cáo dòng Họ. Dòng Họ có trách nhiệm ghi vào phú úy của dòng Họ. Các trường hợp đi hỏa táng thì áp dụng sau khi hết tang sẽ tổ chức ghi chép vào phú úy.
V. TỪ ĐƯỜNG – LĂNG MỘ – CÚNG TỔ:
1. Về Nhà Thờ Tổ:
(xem chi tiết phần nội quy dòng họ)
2. Nghĩa trang dòng họ:
Lăng mộ Tổ đường phải được sạch sẽ, yên vị đảm bảo sự yên tĩnh tâm linh của các bậc tổ tiên. Chỉ tổ chức quét dọn, cắt cỏ, tỉa cành cây….Trước ngày lễ Tổ và ngày lễ Thanh minh hàng năm.
Khu vực cát táng lăng theo sự phân bổ của các chi hiện nay nên đảm bảo sự hài hòa, khách quan, đẹp đẽ theo thẩm mỹ chung. Không được tùy tiện thay đổi làm xáo trộn nơi các anh linh yên nghỉ. Có trách nhiệm cùng nhau bảo vệ đất đai, mộ trí khi khai quật hoặc mai táng phải báo cáo cho Tộc trưởng và hoặcTrưởng chi đồng thời báo cho Ban thường trực dòng Họ nắm được.
Trường hợp bên nội của các đối tượng là bà cô họ không có nghĩa trang hoặc ở xa xin được để với chi họ thì các chi cũng nên chấp thuận, hỗ trợ tạo điều kiện, nhưng trước đó phải đóng góp như đinh Họ.
3. Lễ cúng tổ:
(xem chi tiết nội quy dòng họ)
VI. DI SẢN – TÀI SẢN – QUỸ – PHẢ – BIA TIẾN CÚNG CỦA DÒNG HỌ:
1. Di sản, tài sản của dòng họ:
Gồm đất đai Từ đường; đồ thờ phụng; các hiện vật tiến cúng; phả họ; phú úy; bia đá; sổ vàng; quy ước; các văn bản và tiền quỹ họ; quỹ khuyến học.
Quản lý gìn giữ tài sản dòng Họ, đó là hiện vật vô giá. Do vậy mọi người trong họ đều phải có trách nhiệm cùng nhau bảo vệ gìn giữ, không ai được tùy tiện sử dụng vào tài sản của dòng Họ khi chưa được sự đồng ý của dòng Họ, Ban thường trực dòng Họ. Ai làm hỏng hoặc thất thoát thì phải bồi thường.
Sử dụng tài sản, các đồ thờ chỉ để phụng thờ tiên Tổ tại Tổ đường. Chỉ có người trong dòng Họ khi có việc cần dùng thì được mượn, nếu để mất/hỏng thì phải bồi thường. Trong quá trình sử dụng, khi xong việc phải trả ngay hoặc lưu lại gia đình hoặc cho mượn truyền tay khi chưa có ý kiến của người có trách nhiệm. Người cho mượn, người mượn phải rõ ràng số lượng và tình trạng hiện vật trước/sau khi trả.
2. Bia đá:
Ghi lại tất cả công đức các hậu duệ đã có đóng góp tiền của xây dựng Nhà thờ Tổ và nghĩa trang dỏng họ.
3. Phả họ:
Là một tài sản vô giá, nó lưu truyền muôn đời. Do đó, phải đảm bảo chính xác các đời, vai, hàng thứ trong dòng Họ. Tất cả các đinh Họ khi có con lấy chồng hoặc lấy vợ sinh con phải báo cáo cho trưởng miền, khu vực phụ trách và trưởng chi để báo về Ban phả họ để ghi tên. Việc làm này tiến hành thường xuyên. Họ duy trì Ban phả họ của dòng Họ 5 người.
4. Tiến cúng:
Có 2 dạng tiến cúng là tiền và hiện vật:
- Tiến cúng tiền: Tất cả con cháu kể cả cháu ngoại có lòng tiến cúng tiền vào Họ đều được Họ ghi nhận, báo cáo công khai qua từng lệ cúng Tổ, được ghi tên vào sổ vàng công đức hoặc ghi tên vào bia đá của dòng Họ.
- Tiến cúng bằng hiện vật: Người tiến cúng tìm hiểu nhu cầu của dòng Họ cần những cái gì để khi tiến cúng không trùng nhau hoặc bị thừa. Khi tiến cúng phải được Ban thường trực dòng Họ và Họ đồng ý mới được tiến cúng và được dòng Họ tổ chức đón nhận hiện vật tại Tổ đường theo nghi lễ trang trọng ở các lễ…
VII. KHUYẾN HỌC
Họ Bùi Duy là một dòng đang phát triển, có truyền thống hiếu học từ bao đời mà sử sách đã từng ghi. Đo đó việc thành lập ban khuyến học Họ và duy trì hoạt động của lĩnh vực khuyến học là một việc làm cần thiết. Nhất định phải thực hiện một cách chu đáo, cụ thể đảm bảo chất lượng cao nhằm khuyến tài – khuyến dạy – khuyến học nhằm động viên con cháu trong dòng Họ thi đua dạy tốt và học tốt. Phát huy truyền thống của Tổ tiên. Do vậy, dòng Họ có những quy định cụ thể như sau:
1. Ban khuyến học:
Do thường trực dòng Họ cử ra và báo cáo trước Họ. Trưởng ban khuyến học là thành viên của Ban thường trực dòng Họ. Ban khuyến học gồm 7 người: Trưởng ban, phó ban, kế toán, thủ quỹ và các thành viên chuyên trách các miền.
Nhiệm vụ Ban khuyến học:
Hàng năm tổng họp danh sách các con cháu trong dòng Họ đang học ở các trường, số lượng và kết quả học tập. Đặc biệt thống kế các cháu học sinh/sinh viên có thành tích để kịp thời khen thưởng, các đối tượng khen thưởng là:
- Các cháu được vào Đại học/Cao đẳng/Trung cấp
- Các cháu học sinh giỏi cấp huyện/cấp tỉnh trở lên
- Các cháu đỗ cử nhân/kỹ sư khi ra trường
Thành tích giảng dạy của con cháu dòng Họ là giáo viên được cơ quan có thẩm quyền khen thưởng.
Tổ chức vinh quy bái Tổ cho các cử nhân/kỹ sư và tổ chức khắc bia học vị.
Quản lý, điều hành và sử dụng quỹ khuyến học nhằm mục đích chính là phục vụ cho lĩnh vực khuyến học nhưng có sư quản lý giám sát chặt chẽ của Ban thường trực dòng Họ. Quỹ hoạt động độc lập, chi tiêu rõ ràng, công khai và tiết kiệm. Bên cạnh đó cũng luôn luôn phát động xông quỹ ở tất cả các đinh Họ, con cháu dòng Họ..
Sử dụng điều hành, kinh doanh quỹ khuyến học cũng như quỹ họ thời gian và lãi xuất làm tốt thưởng, để đọng, thất thoát phải bồi thường.
2. Tổ chức phát thưởng:
Phát thưởng cho con cháu có thành tích vào ngày mồng hai (02) âm lịch hàng năm. Các gia đình có con là học sinh tiên tiến trở lên đạt danh hiệu được thưởng, cha mẹ báo với ủy viên phụ trách các miền, nếu ở gần thì trình giấy khen hoặc quyết định, giấy báo nhập trường..ở xa thì sử dụng bản photo (không cần công chứng) gửi về Ban khuyến học.
Con cháu Họ làm nghề giáo viên cũng báo cáo về thành tích như dạy giỏi cấp quận/huyện, thành phố/tỉnh, chiến sỹ thi đua..
Ban khuyến học có trách nhiệm tổng hợp danh sách xét duyệt báo cáo với Ban thường trực dòng Họ để thống nhất và tổ chức lễ phát thưởng.
Khi nhận thưởng con cháu phải sắp xếp thời gian để về nhận thưởng được đông đủ, cha mẹ của các cháu nên cùng về dự.
3. Tổ chức khắc tên vào bia học vị và lễ vinh quy bái Tổ:
Lễ vinh quy bái tổ cho các cử nhân/kỹ sư tổ chức 3 năm/01 lần vào dịp lễ đầu xuân 15/1. Hàng năm khi con cháu ra trường có trách nhiệm đăng ký với Ban khuyến học và đóng góp kinh phí 1.000.000đ để khắc tên vào bia học vị, đóng quỹ và lễ Vinh quy bái tổ. Thông báo cho dòng Họ biết con cháu đã đổ cử nhân về đăng ký theo lệ khai xuân hàng năm.
VIII. TỔ CHỨC CỦA HỌ
Dòng Họ tổ chức theo mô hình dân chủ, đại diện gồm 4 chi 10 cành. Họ bầu ra thường trực dòng Họ.
1. Ban thường trực dòng họ:
Do hội nghị Đại họ bầu cử 5 năm/01 lần vào sau ngày kỵ Tổ 15/1 của năm 2024 gồm 05 người.
Ban thường trực dòng Họ làm việc theo nguyên tắc dân chủ tập trung, công khai thống nhất mọi công việc để lãnh đạo. Thực hiện theo quy ước của dòng Họ. Duy trì mọi hoạt động của dòng Họ, người đứng đầu là Trưởng họ phải chịu trách nhiệm chính đối với họ tộc.
Ban thường trực dòng Họ được quyền triệu tập đại họ về họp để quyết định các công việc của Họ họp theo định kỳ hay hội nghị bất thường. Nội dung họp thường trực Họ thống nhất trước để trình họ quyền quyết định tối cao là Hội nghị đại Họ quyết định đóng góp tiền công, bầu cử, bãi miễn hoặc sử đổi quy ước dòng Họ phải được đại đa số đinh Họ về họp biểu quyết thì mới có hiệu lực.
2. Tổ chức Ban thường trực hội đồng gia tộc (HĐGT) gồm:
- Trưởng họ: ông Bùi Huy Thắng
- Trưởng, phó chi:
- Chi 1: Ông Bùi Duy Hào, ông Bùi Duy Phương
- Chi 2: Ông Bùi Duy Hồng, Ông Bùi Duy Diệp
- Chi 3: Ông Bùi Duy Quý, bà Phạm thị Bé
- Chi 4: Ông Bùi Duy Sơn, ông Bùi Duy Huệ
- Phụ Trách đối Ngoại: Ông Bùi Duy Đông
- Thư ký: Ông Bùi Duy Tân
- Kế Toán: Bà Bùi Thị Thanh Xuân
- Thủ quỹ: Bà Lê Thị Minh Hạnh
- Phụ trách khuyến học: Ông Bùi Duy Tân và bà Hà Thị Hiền
Quy ước đã được tu chỉnh và thông qua ngày 20 tháng 9 năm 2023. Toàn họ sẽ tiến hành thực hiện theo Quy ước này. Trong quá trình thực hiện có những vấn đề nảy sinh cần phải sửa đổi cho phù hợp, đại họ sẽ bổ sung vào các lệ giỗ Tổ hàng năm để quy ước được lưu truyền mãi mãi.