Lịch sử ghi chép, Bùi Viện qua đời đột ngột ở tuổi 40. Trong khi đó, ông là người cường tráng không bệnh tật, không ốm đau. 144 năm sau cái chết của một đại thần, cho đến nay, cái chết ấy mới dần sáng tỏ.
Khi tìm hiểu về vị quan thanh liêm nhất mực của triều đình nhà Nguyễn như Bùi Viện, có thể nhiều nhà sử học chỉ quan tâm đến thân thế, sự nghiệp sang Hoa Kỳ kết mối bang giao đồng minh hòa hiếu và đánh giá Bùi Viện ở một góc nhìn khác khi văn thần làm võ tướng.
Cùng với đó là tầm nhìn khi xây dựng cảng Hải Phòng, lập đội Tuần dương quân, thu phục hải tặc Trung Hoa. Thế nên, cái chết của ông suốt hơn trăm năm chìm vào bí ẩn. Nhiều người cho rằng, có thể Bùi Viện chết vì một căn bệnh hiểm nghèo.
Tuy nhiên, qua những ghi chép và những lời dặn dò của người trong họ Bùi truyền từ đời này qua đời khác mà ông Bùi Luật đang cất giữ tại từ đường họ Bùi ở thôn Trình Trung Tây thì cái chết của sứ giả Việt đầu tiên đến Hoa Kỳ mới dần dần sáng tỏ.
Bị đầu độc
Sau hai lần đi Hoa Kỳ cầu viện bất thành, trở về nước được vua Tự Đức tin dùng, Bùi Viện đã tổ chức thành công Tuần dương quân khiến cho uy tín ngày một cao. Những thành quả của Bùi Viện chẳng những đè bẹp những cuộc vận động phản đối của phái bảo thủ mà còn làm tăng uy danh triều đình Huế trước thế lực thân thực dân Pháp.
Qua một số tài liệu mà ông Bùi Luật cung cấp, những người bạn đồng liêu và nhân dân đương thời đã ưu ái dành cho ông những lời ngợi khen: Chức vụ đương kim suy tuấn kiệt/Thành công tự cổ xuất thư sinh. Câu đối ấy của Biện lý La Ngạn mà tạm dịch là: Biết việc phải chăng trang tuấn kiệt/Thành công xưa vẫn bậc thư sinh.
Hoặc như Ngự sử Đỗ Duy Diễn cũng viết: “Nhất kinh bạch nghiệp thiên tương đại/Vạn lý trường phong lục hải bình”, tức: Hai tay ngang dọc xoay trời đất/Muôn dặm xông pha dẹp bể yên.
Theo ông Bùi Văn Nghệ và nhà văn Bảo Vân, hậu duệ đời thứ 12 của tộc Bùi, thì: “Hôm ấy là ngày mồng 1/11 năm Tự Đức thứ 31 (1878), ngày mà Bùi Viện vĩnh viễn ra đi, bỏ lại sau lưng một sự nghiệp vĩ đại không người thừa kế. Cả ngày hôm ấy ông vẫn mạnh khoẻ, nhưng đến chập tối, ông kêu đau nhức khắp mình mẩy và đến nửa đêm thì mất”.
Tuy nhiên, TS Bùi Tiên Khôi, là cháu đời thứ 12 của tộc Bùi, tức cháu bốn đời của Bùi Viện cho biết: “Ngày 1/11 năm Tự Đức thứ 31 tức năm 1878, Bùi Viện đi dự tiệc. Toà Khâm sứ Pháp mua chuộc kẻ hầu rượu bỏ độc dược vào thức ăn đồ uống. Khi về đến tư dinh, Bùi Viện kêu đau bụng dữ dội và chết ngay trong đêm ấy tại Huế.
Bà cao tổ, kế thất của ông Bùi Viện, được ông trăn trối hãy trốn đi ngay để tránh cái họa “nhổ cỏ tận gốc” của kẻ thù, nên đã đưa con là Bùi Tình vào lánh tại Bình Định, lập ra nhánh mới cho họ Bùi từ đấy”.
Cũng theo TS Bùi Tiên Khôi thì: “Năm 1875, Chính phủ Pháp cử Rheinart làm khâm sứ ở Huế. Rheinart đã ra sức điều tra tất cả những nhân vật yêu nước của triều đình Huế và đệ trình về Pháp với đề nghị phải loại trừ Bùi Viện”.
Rheinart viện dẫn hòa ước năm 1862, hòa ước nhượng đứt 3 tỉnh Nam Kỳ cho Pháp có đoạn: “Hễ nước Việt Nam có giao thiệp với nước nào thì phải cho chính phủ Pháp biết và khi nào muốn nhường đất cho nước nào phải tùy ý nước Pháp thuận mới được. Thế mà triều đình Huế đã cử Bùi Viện qua Mỹ hai lần, năm 1873, 1875, để bí mật xin viện trợ quân sự, kinh tế chống Pháp”.
Rheinart yêu cầu triều đình Huế cách chức Bùi Viện, triều đình Huế chẳng những không nghe theo mà còn lạnh nhạt, thù hận Rheinart ra mặt. Trong không khí ngột ngạt khó thở đó, Rheinart cáo bệnh về Pháp sau một năm ở Huế và Philastre qua thay.
Philastre tiếp tục mật trình về Pháp những hoạt động phát triển của Tuần dương quân và yêu cầu ám sát Bùi Viện, một trở ngại lớn trong cuộc xâm lăng toàn cõi Việt Nam. Đề nghị của Philastre được Rheinart, người tiền nhiệm khâm sứ Pháp tại triều đình Huế đang làm việc trong Chính phủ Pháp nhiệt liệt tán thành và hỗ trợ, do đó lệnh được chuẩn y.
Ngay sau cái chết của Bùi Viện, Tuần dương quân Việt Nam tan rã, Rheinart được thăng thưởng trở qua Việt Nam ngày 14/5/1879 tái nhậm chức khâm sứ Pháp tại Huế, thay thế Philastre. Triều đình Huế mà trực tiếp là vua Tự Đức vô cùng phẫn nộ trước cái chết của đại thần Bùi Viện nên Philastre phải xin rời khỏi Huế.
Biển thủ công quỹ?
Tuy nhiên, lại có một thuyết khác nói Bùi Viện chết không phải do thực dân Pháp đầu độc mà do các nịnh thần của triều đình Huế tiến hành. Việc ấy được viện dẫn trong cuốn sử tộc Bùi như sau:
Khi ở Hoa Kỳ về, Bùi Viện tâu vua nên theo người, sửa đổi nền văn học của nước nhà cho thực tế hơn và trình bày những tiến bộ cơ khí của các nước văn minh, mà nước nhà cần cho nhân tài đi học hỏi nhiều. Nhưng lúc vua quan hội bàn thì số đông cho rằng, Bùi Viện tâng bốc người, kém đề cao những gì mình đã có. Trước sức ép của số đông, Tự Đức khước từ những đề nghị của Bùi Viện.
Đặc biệt, khi Bùi Viện được vua giao trọng trách xây cảng Hải Phòng, lập Tuần dương quân đã được quyền “tiền trảm hậu tấu”. Bởi thế, khi tiến hành việc, những tiêu pha tốn kém là không tránh khỏi.
Bùi Viện phải đề nghị kho Bắc Hà chi tiền để khỏi lỡ việc công. Khi hồi kinh, ông tấu trình sự việc và được vua khen là có tài quyền biến, biết tùy cơ lo liệu. Thế nhưng, nịnh thần đã tố cáo và cho rằng, Bùi Viện lợi dụng việc công để biển thủ công quỹ triều đình.
Vậy là sau bữa dự tiệc tại triều đình, khi về đến tư dinh thì Bùi Viện đau bụng dữ dội và có dối lại đôi lời cho người nhà rồi tắt thở.
Sau khi Bùi Viện qua đời, triều đình lập một ủy ban điều tra sản nghiệp của ông. Kết quả là: “Năm gian nhà Bùi Viện thềm vách lở thêm vì mưa nắng, cột kèo xiêu vẹo, không có chi gọi là tư sản”.
Lúc này, vua Tự Đức mới kiên quyết phê xá những việc đã qua, nghĩa là 36 vạn quan tiền do kho miền Bắc đã xuất ra được chính thức coi là để chi vào việc quân cơ.
Bùi Viện chết, các nhân viên Nha tuần hải phúng ông khi cử hành tang lễ: “Dưới trời chỉ có người kỳ tài mới làm được những việc mới lạ, những kẻ kiến thức tầm thường nếu được ở trong cửa những người đó, cũng là một việc đáng mong mỏi lắm rồi. Huống chi lại được trực tiếp can thiệp đến những việc lớn của nhà nước là ngoài chỗ mọi người có thể lo liệu được. Chúng tôi bàn riêng với nhau: Được thấy những chuyện lạ, cũng là một việc sướng trong đời!”.
Khi ông mất, Thanh Đoàn gồm hàng trăm người trước kia là cướp biển gốc Hoa kéo về tận làng Trình Phố, Thái Bình quê của Bùi Viện để khóc và cúng tế ông với bức trướng “Thiên tải nhất ngộ” (Ngàn đời mới gặp một người). Sau đó họ giải tán để lại theo đường cũ không chịu phục tùng người nào khác ngoài Bùi Viện.
Nguồn: Dân Trí