Từ lâu, cái tên phố đi bộ Bùi Viện hay phố Tây Bùi Viện là điểm đến quen thuộc với người dân Sài Gòn cũng như khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết tên gọi của con đường này có từ bao giờ và ý nghĩa như thế nào.
Bùi Viện là ai?
Nói đến các nhân vật lịch sử nổi tiếng của Việt Nam ta vào thế kỷ 19, sẽ thật là thiếu sót nếu không kể đến Bùi Viện. Ông là nhà cải cách, nhà ngoại giao nổi tiếng làm việc dưới triều Nguyễn vào cuối thế kỷ này. Bùi Viện sinh năm 1839, trong một gia đình nhà nho ở làng Trình Phố, tổng An Bồi, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định (nay là Trình Trung, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình).
Con đường khoa cử và xuất chính làm quan của Bùi Viện cũng không được bằng phẳng. Năm 1864 ông đỗ Tú tài và chỉ 4 năm sau đó ông tiếp tục đỗ Cử nhân. Lúc này, em của Bùi Viện là Bùi Phủng cũng đỗ Cử nhân, bổ làm án sát Hưng Hóa. Còn Bùi Viện thì sau hai lần thi hội vào năm 1868 và 1869 đều hỏng, thì đến năm 1871 ông nhận nhiệm sở giúp Lê Tuấn, Tham tri Bộ Lễ ra Bắc dẹp loạn. Công việc hoàn thành, ông trở về Huế. Bùi Viện được Doãn Khuê, Doanh điền sứ Nam Định mời ra giúp việc khai hoang, lấn biển.
Năm 1873, trước khi vua Tự Đức buộc phải ký Hòa ước Giáp Tuất (15/3/1874) nhượng bộ nhiều yêu sách của thực dân Pháp và nguy cơ mất cả nước đã nhãn tiền, triều đình chủ trương tìm kiếm những đối trọng khác ở nước ngoài để chấn hưng đất nước và cứu vãn họa xâm lăng của thực dân Pháp. Bùi Viện đã lãnh nhận sứ mệnh sang Mỹ do sự tiến cử của một viên đại thần trong triều với Vua Tự Đức. Bùi Viện lúc đó đang được xem như là một nhà kinh bang tế thế, có công lớn trong việc xây dựng cảng Hải Phòng, lập ra Tuần dương quân (lực lượng hải quân thường trực) gồm 200 chiến thuyền và 2.000 quân thủy thiện chiến và lập ra hệ thống thương điếm ở các tỉnh ven biển Bắc Kỳ.
Thủy quân của Bùi Viện tuy còn non trẻ nhưng đã sớm lập được một số chiến công. Tháng tư năm 1878, quân ta giao chiến với giặc Tàu Ô ở Hà Tĩnh, dùng hỏa công đốt tàu địch khiến chúng phải chạy trốn, tịch thu một chiến thuyền cùng lương thực đạn dược và bắt được 18 tên cướp.
Đến tháng 5 cùng năm, quân ta lại giao tranh với địch ở Thanh Hóa trong khi hải phỉ đang cướp một tàu buôn. Quân ta truy kích địch đến tận đảo Hải Nam (Trung Hoa), tịch thu một chiến thuyền và đạn dược, khí giới.
Ngày 1/11 năm Tự Đức 31 (1878), ông đột ngột từ trần. Cái chết của ông cũng có nhiều điểm còn mờ ám vì thật bất ngờ và không có dấu hiệu gì báo trước.
Một điểm nổi bật đáng lưu ý, bản thân ông chính là sợi dây buộc chặt Tuần Dương Quân với triều đình vì một khi không còn ông nữa, những đoàn quân đó đều tự động giải tán, một số quay trở về nghề ăn cướp cũ, một số khác tự ý tìm đường khác mưu sinh. Họ chỉ mới đến mức trung với chủ tướng chứ chưa phải vì quốc gia. Cũng có thể việc giải thể Tuần Dương Quân chính là chủ trương của một số người trong triều đình Huế lúc bấy giờ.
Bùi Viện – Người Việt đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ
Với những người yêu thích sử học, thì cái tên Bùi Viện không quá xa lạ, và việc ông đến Mỹ để nghiên cứu tình hình thực tế theo chỉ đạo của Vua Tự Đức cũng vậy. Tuy nhiên, thông tin ông là người Việt đầu tiên đến Mỹ thì không phải ai cũng biết.
Năm 1973, nhận chỉ thị, Bùi Viện bắt đầu chuyến đi của bình bằng thuyền để tới Mỹ. Hành trình bắt đầu từ cửa biển Thuận An tới Hương Cảng, Trung Quốc. Tại đây Bùi Viện đã kết giao được với viên lãnh sự Hoa Kỳ lai Tàu nên 2 bên giao thiệp được. Biết ý đồ của Bùi Viện, viên lãnh sự đã viết thư giới thiệu với một người ở Hoa Kỳ có khả năng giúp ông tiếp cận với nguyên thủ của quốc gia này.
Bùi Viện sau đó đã đi qua Yokohama, Nhật Bản để đáp tàu sang Mỹ. Thành phố San Francisco là nơi đầu tiên ông ghé đến trên đất Mỹ. Sau đó ông đến Washington rồi lưu lại ở đó mất một năm vận động mới gặp được Tổng thống Ulysses Grant (nhiệm kỳ 1868-1876). Lúc này Pháp và Mỹ đang kình nhau trong chiến tranh ở Mexico nên Mỹ cũng tỏ ý muốn giúp một quốc gia đang bị Pháp uy hiếp. Nhưng Bùi Viện không mang theo quốc thư nên 2 bên không thể có một cam kết chính thức. Vì vậy, ông lại quay về Việt Nam trở lại kinh thành Huế.
Có được thư ủy nhiệm của vua Tự Đức, Bùi Viện lại tới Mỹ một lần nữa. Năm 1875 ông lại có mặt tại Hoa Kỳ. Có trong tay quốc thư nhưng lại gặp lúc Mỹ – Pháp hết thù địch nên Tổng thống Ulysses Grant lại khước từ sự cam kết giúp Việt Nam đánh Pháp.
Bùi Viện lại trở về nước, vừa đặt chân lên bờ thì nghe tin mẹ từ trần nên về quê cư tang. Ba tháng sau Bùi Viện lại được triệu về kinh đô giữ chức Thương chánh tham biện rồi chuyển sang chức Chánh quản đốc nha Tuần hải.
Phố đi bộ – phố Tây Bùi Viện
Theo một số tài liệu, Bùi Viện chính thức trở thành tên của con đường ở quận 1 TP.HCM này từ ngày 6/10/1955. Trước đó, dưới thời Bảo Đại, nó có tên là Bảo hộ Thoại. Hay trước đó nữa, nó là con đường mòn của một ngôi làng mang tên là Tân Hoà. Còn tên gọi phố Tây của con đường này thì do người dân đặt ra. Một vài người ân chia sẻ, bởi lẽ có tên gọi như vậy vì vào những năm sau 1975, nơi đây có nhiều người nước ngoài, đặc biệt là Mỹ đến sinh sống. Lâu dần nơi đây thu hút nhiều người nước ngoài đến làm ăn kinh doanh, tạo nên một con phố đa văn hóa, đa sắc tộc.
Chính vì sự đa dạng và đông đúc này mà chính quyền TP.HCM đã đã ra quyết định biến con phố này thành phố đi bộ vào mỗi cuối tuần từ ngày 20/8/2017. Con phố sẽ bắt đầu mở cửa từ 19h tối đến 2h sáng các ngày cuối tuần để thuận tiện cho việc vui chơi, kinh doanh của người dân.
Phố đi bộ hay phố Tây Bùi Viện ngày nay, là một nơi vui chơi, giải trí thu hút đông đảo giới trẻ Sài Gòn và khách du lịch. Hy vọng với những thông tin tổng hợp trên đây, sẽ giúp nhiều người hiểu hơn về tên gọi của con đường sầm uất bậc nhất Sài Gòn này và nhân vật lịch sử Bùi Viện.
Nguồn: Tin Tức